Lúa có giá cao, nông dân rất phấn khởi
Xuất khẩu mạnh
Đây là vụ đông xuân thứ 2 liên tiếp, nông dân An Giang bán được lúa với giá cao. Giá lúa tươi tại huyện Thoại Sơn, giống IR50404 đang được thương lái mua vào từ 8.800 - 9.200 đồng/kg; OM5451 từ 9.200 - 9.400 đồng/kg; Đài Thơm 8 có giá từ 9.500 - 9.700 đồng/kg. Còn tại huyện Tri Tôn, lúa IR50404, OM5451 có giá 8.500 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 và OM18 giá 9.000 đồng/kg. Tại huyện Phú Tân, nếp Long An (khô) có giá 9.600 - 9.800 đồng/kg; nếp đùm 3 tháng (khô), giá 10.800 - 11.000 đồng/kg. Còn ở TX. Tân Châu, trà lúa đầu tiên của giống lúa OM18, nông dân bán được giá từ 9.000 - 9.200 đồng/kg; Đài Thơm 8 từ 9.300 - 9.500 đồng/kg…
Vụ đông xuân năm nay, gia đình ông Trần Văn Nô (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) vô cùng phấn khởi bởi trà lúa đầu OM5451 vừa thu hoạch xong đạt 7,4 tấn/ha. “Trên 20 năm trồng lúa, chưa năm nào tôi thấy vui như năm nay. Thương lái cân lúa tươi giá 9.300 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi lãi mỗi héc-ta được 35 triệu đồng. Chúng tôi rất mong các doanh nghiệp (DN) tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu để lúa trên đồng giữ được giá cao khi bước vào thu hoạch rộ” - ông Nô phấn khởi.
Lúa trên đồng đang ở mức cao là nhờ đầu năm nay, nhiều DN lương thực tiếp tục trúng được các gói thầu lớn tại thị trường nhập khẩu gạo truyền thống. Ngày 31/1/2024, Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) đã chính thức công bố danh sách 5 DN Việt Nam trúng tổng cộng 8/17 gói thầu nhập khẩu 500.000 tấn gạo của nước này. Danh sách trúng thầu, gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), mỗi DN trúng 2 gói thầu; Công ty Cổ phần XNK Kiên Giang, Công ty TNHH Lương thực Phát Tài, mỗi DN trúng 1 gói thầu. Các DN trúng thầu sẽ phải giao gạo trong tháng 2 và 3. Đây là thời điểm ĐBSCL bước vào thu hoạch rộ vụ đông xuân 2023 - 2024.
Chất lượng được nâng lên
“DN trúng các gói thầu lớn trong xuất khẩu gạo vào Indonesia trong đầu năm nay là tín hiệu vui, tích cực của ngành lúa gạo. Gạo Việt Nam ngày càng được ưa chuộng bởi chất lượng được nâng lên. Đây là kết quả ngành nông nghiệp đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác, tập trung sản xuất các giống lúa đáp ứng nhu cầu của thị trường nhập khẩu” - ông Trịnh Văn Dứt (Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phú A1, xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu) khẳng định.
Vụ đông xuân 2023 - 2024, toàn tỉnh xuống giống 227.637ha lúa, đạt 99,82% kế hoạch. Trong đó, các giống lúa chất lượng cao chiếm trên 85% diện tích xuống giống. Nông dân đang thích ứng tốt với cơ chế thị trường, “bán cái thị trường cần, chứ không bán cái mình có”.
Nông dân, hợp tác xã ngày càng quan tâm đến việc ứng dụng các quy trình canh tác, như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “mặt ruộng không dấu chân”… Các quy trình kỹ thuật góp phần nâng cao chất lượng gạo, giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam cũng như thu nhập của người trồng lúa.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, tính đến giữa tháng 2/2024, toàn tỉnh đã thu hoạch được 1.723ha lúa đông xuân sớm, đạt 0,76% diện tích xuống giống. Năng suất lúa trà đầu đạt 7,46 tấn/ha. Các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn là những địa phương thu hoạch sớm nhất trong tỉnh. Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, rầy nâu và rầy phấn trắng đã xuất hiện rải rác ở các địa phương. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, sớm phát hiện các loại dịch hại trên cây lúa để phòng trừ hiệu quả, đảm bảo năng suất lúa trong bối cảnh giá cao.
“Chỉ trong tháng 1/2024, các DN Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 500.000 tấn gạo ra thế giới, đạt trị giá 296 triệu USD, tăng 39,4% về lượng và tăng 59% về giá trị so cùng kỳ năm 2023. Giá xuất gạo 5% tấm vẫn neo ở mức 646 USD/tấn. Điều này cho thấy, nhu cầu lương thực của thế giới đang ở mức cao, dư địa để gạo Việt Nam gia tăng nguồn cung, tận dụng cơ hội là rất lớn” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm nhấn mạnh. |
MINH HIỂN