Làm giàu từ “giữ lại” và “thay đổi”

05/07/2022 - 07:47

 - Tại Đại hội tuyên dương nông dân sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi TP. Long Xuyên lần thứ X, giai đoạn 2019-2022, tôi bắt gặp nhiều cô, chú bối rối trong chiếc áo dài, áo sơ-mi “đóng thùng” trịnh trọng hơn hẳn thường lệ. Họ tự nhận mình “quê mùa”, “một nắng hai sương”, không quen ăn mặc thế này. Nhưng trở về với ruộng đồng, cây trái, họ lại làm chủ “vương quốc” của mình, với tư duy tiếp cận thị trường đầy thông minh, hiệu quả; biết dung hòa giữa “giữ lại” và “thay đổi”.

Không “trồng rồi chặt, chặt rồi trồng”

Thị trường luôn biến động, đó là điều nông dân nào cũng thấu hiểu. Hôm nay, vật nuôi, cây trồng này là “vua”, nhưng hôm sau có thể rớt giá. Nếu cứ chạy theo cái nhất thời, lòng vòng kiểu “trồng rồi chặt, chặt rồi trồng”, đời sống bà con chẳng thể khá nổi. Chính vì thế, quan điểm của Câu lạc bộ (CLB) nông dân nuôi trồng thủy sản phường Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) là duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, tìm đầu ra cho sản phẩm, chủ yếu là thị trường nội địa.

Quan điểm ấy giúp họ đứng vững trước lao đao. Năm 2019, giá cá tra sụt giảm mạnh; hàng loạt mặt hàng sản xuất khác (cá tra giống, cá lóc, cá trê, ếch…) của 12 thành viên trong CLB đều sụt giảm. Mọi người không nản lòng, ngược lại chung tay khắc phục khó khăn, sản xuất như thường lệ. Thành viên nuôi cá lóc, khi giá thị trường xuống thấp thì dừng nuôi, vệ sinh ao hầm, rồi thả nuôi vào thời điểm có giá. Thành viên nuôi ếch thì thả nuôi thêm các loại cá khác, tận dụng thức ăn thừa của ếch để tăng thu nhập.

Cùng sự tiếp sức của địa phương và Hội Nông dân phường Mỹ Thạnh, đến cuối năm 2021, tình hình sản xuất của CLB gặp thuận lợi, không ngừng phát triển về quy mô, sản lượng. “Cá tra giống có giá từ 45.000-50.000 đồng/kg; cá tra thịt trên 30.000 đồng/kg, mang lợi nhuận trên 1,5 tỷ đồng cho nhóm thành viên nuôi cá tra. Bình quân, trong điều kiện bình thường (khi không vướng dịch COVID-19), CLB mang về lợi nhuận từ 2,5-3 tỷ đồng/năm.

Điểm mạnh của chúng tôi là xây dựng kế hoạch, phân công thành viên sản xuất cho từng loại sản phẩm theo nhu cầu thị trường, để không gián đoạn sản xuất, đáp ứng số lượng theo đơn hàng đã ký. Nếu tập trung mua cùng loại thức ăn, vật tư… số lượng nhiều sẽ giảm giá đầu vào. Đầu ra đảm bảo chất lượng, được giá hơn là sản xuất nhỏ lẻ” - Phó Chủ nhiệm CLB nông dân nuôi trồng thủy sản phường Mỹ Thạnh Khưu Đức Thành chia sẻ.

Khen thưởng nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi

Tương tự, đã gắn bó lâu dài - 12 năm cùng các loại rau, củ, quả, thành viên của Tổ hợp tác rau an toàn xã Mỹ Hòa Hưng duy trì thu nhập của mình bằng cách áp dụng biện pháp kỹ thuật mới theo chương trình VietGAP. “Từ làm đất đến thu hoạch, công đoạn nào cũng giảm được chi phí, đồng nghĩa với việc tăng thu nhập cho nông dân. Bình quân hàng năm, mỗi hộ thu nhập cả trăm triệu đồng từ trồng rau. Đặc biệt hơn, chúng tôi cung cấp cho thị trường 17 loại rau, củ, quả an toàn, được cấp giấy chứng nhận” - Tổ trưởng Tổ hợp tác rau an toàn xã Mỹ Hòa Hưng Huỳnh Ngọc Diện khẳng định. Sự gắn kết lâu dài, “chung thủy” với rau màu, không có tâm lý “đứng núi này, trông núi nọ” đã mang lại đời sống ổn định cho thành viên của tổ.

Những đổi thay đúng hướng

Tuy nhiên, có những điều cần phải thay đổi để đáp ứng bước tiến của cuộc sống. “135 nông dân tham dự Đại hội nông dân SXKD giỏi lần này, có tổng doanh thu từ 350 triệu đồng đến 16 tỷ đồng/năm. Họ là những cá nhân, tập thể đi đầu trong ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, họ mạnh dạn đầu tư, mua máy xới, máy gặt đập liên hợp, lò sấy…

Điển hình như: Ông Nguyễn Trung Nâu (phường Bình Khánh), Huỳnh Văn Hiệp (phường Mỹ Thạnh), Nguyễn Thanh Tuấn (phường Mỹ Phước) có doanh thu từ 800 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương” - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Long Xuyên Võ Văn Nghĩa chia sẻ.

“Để kinh tế địa phương ngày càng phát triển, mỗi nông dân như tôi phải ý thức học hỏi, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để cải thiện cuộc sống gia đình” - ông Trang Thành Long (phường Mỹ Hòa) bày tỏ. Ông đúc kết được điều đó từ chính những gì ông trải qua. Mấy nhân khẩu trong gia đình ông lầm lũi làm nông, hơn 1,6ha đất trồng lúa chỉ mang lại lợi nhuận ít ỏi, đói thì không đến nỗi, nhưng khá thì chưa chạm tới.

Từ khuyến khích của địa phương, “mắt thấy tai nghe” ở những nông dân khác, ông Long quyết định bỏ cây lúa thường, thương cây lúa Nhật. Hai vụ lúa chất lượng cao giúp ông có lợi nhuận gấp đôi xưa kia. Tranh thủ thời gian đất trống, ông trồng xen canh màu. Tận dụng khoảng đất trống quanh nhà, ông trồng cúc pha lê bán Tết. Rồi ông được phường chấp thuận cho đào ao nuôi cá, trồng vườn theo hướng ứng dụng công nghệ cao, lấy ngắn nuôi dài. Cuộc sống sung túc dần, nhưng ông vẫn cần cù lao động, bởi ông Long biết, chỉ cần chậm 1 nhịp, là sẽ tụt hậu nhanh chóng trong thời buổi này.

Ở TP. Long Xuyên hiện nay, trên 98% diện tích trồng lúa áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” đạt 72%, góp phần giảm chi phí sản xuất từ 7-9 tỷ đồng/năm/tổng diện tích sản xuất toàn thành phố. Trong đó, có sự đóng góp lớn của ông Trang Thành Long, Trần Văn Đệ (xã Mỹ Khánh), Đỗ Văn Châu (phường Bình Đức)…

“Đại hội lần này tiếp tục khẳng định mạnh mẽ sự phát triển về chất lượng của lực lượng nông dân thành phố. Mỗi đại biểu là tấm gương sáng, điển hình nông dân vượt khó trong phong trào giảm nghèo và làm giàu ở nông thôn, là nhân tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế” - lời nhận định của Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Long Xuyên Bùi Văn Tặng cũng là sự tôn vinh của địa phương và nhân dân thành phố đối với đội ngũ “nông dân thời 4.0” này.

GIA KHÁNH