Làm “kinh tế phụ” gắn với tiêu chí vì sức khỏe

03/05/2022 - 08:08

 - Đó là câu chuyện của cô Hồ Thị Thu Hương (ấp Trung 1, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) khi phát triển sở thích của bản thân thành “nghề tay trái”, tạo nguồn thu nhập phụ, bên cạnh nghề chính là dạy học.

Là giáo viên dạy môn thể dục, nên cô Hương rất chú ý đến sức khỏe. Ngoài luyện tập thường xuyên, còn phải quan tâm đến cách chăm sóc thể chất, tinh thần. Điều đó có thể cảm nhận rõ qua vẻ ngoài năng động, nụ cười tràn đầy năng lượng tích cực. Niềm đam mê với nghề thôi thúc cô Hương góp phần cải thiện sức khỏe bản thân và những người xung quanh. Vậy là cô giáo trẻ tìm tòi các nguồn thông tin, thay đổi từ tư duy đến những thói quen sinh hoạt nhỏ theo hướng ngày càng lành mạnh.

Cô rất ham có một vườn rau sạch tự tay chăm sóc, nên đã đầu tư nhà lưới nhỏ để thử nghiệm. Với 48m2 vườn ban đầu, sau 6 tháng, các loại rau bắt đầu cho thu hoạch. Cô đem tặng đồng nghiệp và những người quen, họ đều khen rau tươi ngon, ủng hộ cô nhân rộng trồng bán. Thấy được tín hiệu tốt, cô mạnh dạn đầu tư thêm 80m2. Qua giới thiệu của Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Phú Mỹ, cô được vay thêm vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để khởi đầu mô hình. Sau 1 năm, cô Hương trồng rau thủy canh theo hướng an toàn và có thêm nguồn thu nhập khá.

Vườn rau được đầu tư lắp đặt hệ thống nhà lưới, hệ thống ống nuôi cây, phun sương tự động, tổng chi phí trên 100 triệu đồng. Trong đó, có khá nhiều loại rau được gieo trồng theo thời điểm khác nhau, như: Cải ngọt, cải xanh, cải thìa, xà lách… Cô Hương cho hay, rau thủy canh được trồng từ hệ thống tự động nên không tốn nhiều công chăm sóc. Chủ yếu phải chọn được nguồn giống chịu nhiệt tốt, nguồn dinh dưỡng phải có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn, chất lượng.

“Với mô hình này, chi phí ban đầu khá cao, kéo theo đầu ra sản phẩm gặp khó. Những ngày đầu mới đem ra chợ, tôi bán chỉ được 2-3kg. Sau 1 tháng thì số lượng tăng dần, từ 6-12kg. Bà con bắt đầu chú trọng sức khỏe, quan tâm nguồn rau sạch và làm quen với khái niệm “rau thủy canh”, nên nguồn hàng của tôi được đón nhận ngày càng nhiều. Bình quân mỗi ngày thu hoạch khoảng 10kg, giá bán 30.000-40.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí, tôi thu lợi nhuận từ 6-7 triệu đồng/tháng” - cô Hương chia sẻ.

Để đảm bảo hơn, định kỳ 6 tháng, cô Hương đem rau đi kiểm nghiệm 1 lần. Mặt khác, nhờ được trồng trong nhà màng nên rau không cần sử dụng đến thuốc hóa học, chỉ áp dụng biện pháp sinh học. Chẳng hạn khi rau xuất hiện sâu, mò… thì sử dụng hành, gừng, tỏi, ớt, rượu, khóm… ngâm để lấy hỗn hợp nước xịt lên rau khắc phục.

Cùng thời điểm quyết định trồng rau sạch, vào dịp hè, cô Hương tranh thủ lên TP. Hồ Chí Minh để học yoga. Sau 2 tháng luyện tập trực tiếp, cô kiên trì tự tập ở nhà và nay đã mở được lớp dạy yoga ngay tại trung tâm thị trấn Phú Mỹ. Niềm đam mê này trở thành công việc ngoài giờ, giúp cô có thêm thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng.

Theo cô, bộ môn này giúp ích sức khỏe toàn diện hơn nhiều môn khác, có tính trầm, góp phần thăng bằng cảm xúc, tinh thần. Hiện, cô dạy theo hướng cải thiện sức khỏe cho người lớn và nâng cao hơn cho các học viên trẻ. Chưa dừng lại ở đó, cô tiết lộ đang chờ cơ hội để học tiếp khóa yoga trị liệu và mở rộng lớp dạy trong thời gian tới.

Với 2 nguồn thu nhập phụ, cộng với công việc chính, để có thể sắp xếp, quán xuyến tất cả nhiệm vụ một cách chu toàn, cô Hương rất nỗ lực trong thời gian qua. Người phụ nữ với nụ cười hiền chia sẻ một quan niệm chân thành rằng: “Chỉ cần có đam mê sẽ khắc phục được mọi khó khăn, làm bằng cái tâm thì mọi thứ sẽ trọn vẹn. Ngay như việc mở lớp dạy yoga, tôi nghĩ đến việc sẽ giúp cho nhiều chị em trở nên đẹp hơn hoặc khỏe hơn, tinh thần thoải mái hơn… mà cố gắng. Với vườn rau cũng vậy, nghĩ đến nguồn rau sạch góp thêm sự lựa chọn cho bà con khi đi chợ là tôi thấy vui. Những khó khăn trước mắt, mình đặt thành thứ yếu thì mới có thể tiếp tục theo đuổi việc làm yêu thích”.

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Phú Mỹ Trần Thị Kim Tuyền, điều đáng quý ở cô Hương là sự tâm huyết và đam mê trong công việc. Xuất phát từ những mong muốn cải thiện đối với bản thân, gia đình và mở rộng ra cộng đồng, cô tích cực học hỏi, từng bước trau dồi kinh nghiệm để phát triển thành mô hình cụ thể. Câu chuyện của cô Hương trở thành nguồn cảm hứng lan tỏa trong hội viên phụ nữ. Cô được giới thiệu là tấm gương hiện đại, năng động, không chỉ giỏi việc nước, đảm việc nhà mà còn làm kinh tế giỏi để vun đắp cho cuộc sống gia đình thêm ấm no, hạnh phúc.

MỸ HẠNH