Làm nông ở Phú Yên: Bước ngoặt từ... máy bay không người lái

19/03/2020 - 10:11

Mới đây, tại huyện Tây Hoà (tỉnh Phú Yên), lần đầu tiên bà con nông dân được chứng kiến màn trình diễn máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật. Trên cánh đồng rộng 150ha ở các xã Hoà Phong, Hoà Phú, Hoà Mỹ Tây, máy bay không người lái được điều khiển từ xa bằng điện thoại, trong vài phút đã phun xong thửa ruộng lớn...

Giúp nông dân giải phóng sức lao động

Thời điểm trình diễn máy bay không người lái, lúa trên các cánh đồng ở Tây Hoà đang trong giai đoạn trổ gié, máy bay không người lái được cán bộ khuyến nông điều khiển phun thuốc trừ sâu Tilt Super nhằm phòng trừ bệnh lem lép hạt và bệnh vàng lá.

 

Chuẩn bị máy bay không người lái để phun thuốc BVTV.  Ảnh: L.V

Ông Nguyễn Văn Minh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Phú Yên cho biết, việc trình diễn máy bay không người lái vào phun thuốc BVTV cho lúa nhằm giúp bà con nông dân địa phương làm quen với các thiết bị công nghệ cao, thay đổi tư duy sản xuất, giảm chi phí, giải phóng sức lao động, giảm thiểu độc hại tới sức khoẻ, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp tại Phú Yên.

Chứng kiến tận mắt máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật khắp thửa ruộng, nông dân Nguyễn Thành Luân (ở xã Hòa Phú) cho biết: Lần đầu tiên tôi thấy máy bay không người lái phun thuốc, rất hiện đại và chuyên nghiệp. Đội máy bay gồm 2 chiếc, có thể điều chỉnh bay nhanh hay bay chậm, cao hay thấp tùy ý của người điều khiển.

Theo ông Lương Công Xem - Phó Giám đốc HTX Hòa Phong, hiện nay ở các vùng nông thôn, đàn ông đều rơi quê đi làm thuê, thợ hồ, bán vé số..., phụ nữ ở nhà làm ruộng chăm sóc con cái. Khi lúa bị sâu bệnh, tìm kiếm nhân công phun thuốc không ra. Có máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu, sẽ giúp bà con giải quyết những khó khăn trong việc tìm kiếm nhân công phun thuốc BVTV.

Ông Lê Anh Quốc - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú thì cho rằng, việc sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc BVTV vừa giúp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian chăm sóc lúa, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho người dân vì không trực tiếp tham gia phun thuốc trên đồng ruộng, làm lúa cũng khoẻ hơn.

Tại buổi trình diễn, ông Đào Văn Roa - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Tây Hòa cho biết: Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào đồng ruộng, trong đó có máy bay không người lái phun thuốc BVTV nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất lúa, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Tây Hoà.

Qua đó, mô hình cũng từng bước thay đổi nhận thức của người nông dân trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng, không chỉ dừng ở việc phun thuốc BVTV, mà còn ứng dụng vào gieo hạt giống, rải phân bón...

Mỗi ngày, máy bay không người lái có thể phun thuốc BVTV cho khoảng 25 – 30ha.

Tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp

Không chỉ trên cánh đồng xã Hòa Phong, ở các xã Hòa Phú và xã Hòa Mỹ Tây, ngành nông nghiệp cũng đang thử nghiệm phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái, quy mô mỗi cánh đồng 50ha.

Trong thời gian diễn ra hội thảo đầu bờ, các đại biểu và bà con nông dân trong huyện đã tận mắt chứng kiến máy bay không người lái “biểu diễn” trên cánh đồng lúa, với những tính năng ưu việt hơn hẳn so với phương pháp sử dụng bình phun truyền thống thông thường. Những hạt thuốc khi ra khỏi đầu phun có kích cỡ rất nhỏ và mịn, giúp giảm thiểu lượng nước cần dùng để pha thuốc mà vẫn đảm bảo trải đều bề mặt ruộng, mang lại hiệu quả cao.

Phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái giúp nhà nông tiết kiệm thời gian phun thuốc, giảm chi phí thuê dịch vụ phun khoảng 10%.

Hiện trên thị trường có nhiều loại máy bay không người lái, công suất làm việc của thiết bị này trung bình từ 3,5 – 4ha/giờ. Mỗi ngày máy bay có thể phun thuốc BVTV cho khoảng 25 – 30ha. Được biết, giá thuê máy bay phun thuốc BVTV dịch vụ cho bà con nông dân tại ĐBSCL là 20.000 đồng/công (1.000m2).

Thực tế cho thấy, việc phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái đảm bảo tính chính xác tương đối với từng khoảnh ruộng theo yêu cầu, đồng thời tiết kiệm thời gian; giảm chi phí thuê dịch vụ phun khoảng 10%, năng suất dự kiến tăng từ 7 - 15%, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa trên một đơn vị diện tích.

Ông Võ Văn Dị - Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phú cho biết: Lâu nay khi lúa vào giai đoạn làm đòng, bà con nông dân thường phải xuống ruộng phun thuốc Tilt Super phòng trừ bệnh lem lép hạt và bệnh vàng lá rất vất vả. Hôm nay, bà con dự hội thảo đầu bờ và được tận mắt xem trình diễn công nghệ mới với máy bay không người lái, công suất làm việc cao gấp nhiều lần so với phun thuốc thủ công.

Theo Dân Việt