Băng trôi trên vùng biển phía đông Greenland. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Các nhà nghiên cứu tại trạm nghiên cứu trên đỉnh dải băng đã quan sát được trận mưa ở đây vào ngày 14/8. Đây là trạm nghiên cứu có nhân viên hoạt động quanh năm gần đỉnh của dải băng Greenland ở độ cao hơn 3.200m so với mặt biển. Theo Trung tâm dữ liệu và nghiên cứu tuyết quốc gia, đây lần đầu tiên các nhà khoa học thấy mưa ở đỉnh núi băng luôn ở mức nhiệt độ đóng băng này kể từ khi công tác nghiên cứu được triển khai vào năm 1950. Sáng sớm 14/8 các nhà nghiên cứu cũng đo được nhiệt độ trên mức đóng băng tại đỉnh dải băng Greenland.
Đây chỉ là lần thứ 3 trong một thập kỷ qua các nhà nghiên cứu đo được nhiệt độ trên mức đóng băng tại vị trí này. Nhiệt độ ấm lên đã dẫn tới trận mưa lớn, ước tính trút xuống mặt băng 7 tỷ tấn nước. Trận mưa hiếm có này cũng làm tan một lượng băng đáng kể ở đỉnh và dọc rìa phía Đông Nam của dải băng cuối tuần qua. Theo trung tâm trên, lượng băng tan ghi nhận ngày 15/3 cao gấp 7 lần so với lượng băng tan trung bình mỗi ngày ghi nhận hằng năm.
Đáng chú ý, tình trạng nhiệt độ ấm lên, băng tan và mưa kéo dài trong 3 ngày cuối tuần vừa qua đã dẫn tới một lượng lớn nước đổ ra đại dương. Trận mưa xảy ra chỉ vài tuần sau khi khu vực này ghi nhận tình trạng tan băng nghiêm trọng vào cuối tháng 7, có ngày chứng kiến hơn 8 tỷ tấn băng bề mặt biến mất.
Những hiện tượng này càng khiến các nhà khoa học quan ngại rằng tình trạng ấm lên toàn cầu đang khiến tốc độ băng tan ở Bắc Cực tăng, dẫn đến mực nước biển dâng nhanh trên toàn thế giới. Chuyên gia Jennifer Mercer, thuộc Văn phòng các chương trình vùng cực ở Quỹ khoa học quốc gia, cho rằng sự gia tăng các hiện tượng như băng tan, gió mạnh và mưa trong 10 năm qua đã vượt qua ngưỡng được cho là bình thường và những sự kiện này xảy ra ngày càng thường xuyên hơn.
Dải băng Greenland trải dài trên vùng có diện tích khoảng hơn 1.699 km2 thường mở rộng hoặc thu hẹp hằng năm như một sự thay đổi tự nhiên. Tuy nhiên, tình trạng ấm lên toàn cầu được cho là khiến băng tan với tốc độ nhanh hơn.
Một số mô hình dự báo chỉ ra nếu không có sự can thiệp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu thì đến năm 2020 Bắc Băng Dương có thể sẽ không còn băng vào mùa Hè. Nhiều hậu quả của tình trạng này sẽ cực kỳ nghiêm trọng. Nếu dải băng Greenland tan chảy hoàn toàn, các nhà khoa học cho rằng mực nước biển trên toàn cầu sẽ dâng cao thêm 6m, tác động tới các cộng đồng dân cư ven biển và nhấn chím nhiều thành phố như Thượng Hải, Amsterdam và New York.
Theo LÊ ÁNH (TTXVN)