Lao động gặp khó khi bỏ phố về quê

19/01/2024 - 05:16

 - Vì cuộc sống mưu sinh, người lao động (NLĐ) rời làng quê tìm đến những khu công nghiệp mong muốn có được đồng lương cao để trang trải cuộc sống. Nhưng trước “làn sóng” cắt giảm lao động ở các thành phố lớn, họ không thể bám trụ, phải trở về quê trong muôn vàn khó khăn.

Lao động gặp khó khi phải tìm kiếm các công việc ở quê

Hơn 1 tháng qua, anh T.T.C (xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) vẫn chưa thể quen với nếp sống ở quê nhà do đã có hơn 10 năm gắn bó với mảnh đất Bình Dương. Trong những căn nhà trọ chật chội chỉ đủ chỗ nằm, nấu ăn, đi làm cả ngày, tối về lăn ra ngủ. vất vả vậy mà anh C. quen hơn so với ở quê nhà như hiện nay.

Với đồng lương công nhân 7 - 8 triệu đồng/tháng, có khi tăng ca, anh có thêm thu nhập, đủ trang trải tiền trọ, ăn uống. Anh dự định có chút ít tiền tích lũy sẽ lập gia đình, tính chuyện làm ăn. Vậy mà, từ đầu năm đến nay, anh liên tục rơi vào cảnh thất nghiệp, xin được chỗ làm 1 - 2 tháng lại tiếp tục nghỉ việc, anh phải tiêu luôn số tiền dành dụm.

“Nghỉ việc không tiền đã đành, tôi còn không thể lãnh bảo hiểm xã hội làm mười mấy năm qua, vì công ty đã trừ tiền bảo hiểm mà không đóng cho đơn vị bảo hiểm, không làm được gì tôi đành trắng tay trở về quê. Hổm nay, nhờ anh chị em nhưng vẫn chưa tìm được công việc phù hợp với tay nghề may giày hơn chục năm. Cuộc sống trước mắt rất nhiều khó khăn, tôi tạm thời ở nhờ nhà chị, nếu không tìm được việc ở quê sẽ tính toán hướng khác” - anh C. bộc bạch.

Còn chú Lê Thanh Hùng (ngụ ấp Tấn Bình, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới), cũng đang đau đáu nỗi lo việc làm của con trai. Mấy năm trước, con trai chú đi làm ở TP. Cần Thơ, trải qua nhiều nghề, gần nhất là ổn định với công việc phục vụ nhà hàng, vậy mà mấy tháng nay nhà hàng đóng cửa, các quán ăn khác không tuyển thêm người, do vậy con chú không thể bám trụ lại Cần Thơ, đã trở về quê nhà.

“Vợ tôi bị tai biến nằm liệt giường 4 - 5 năm nay, tôi nay gần 70 tuổi không thể làm gì ra tiền, đời sống của 2 vợ chồng, thuốc men đều do con trai tôi chăm lo. Nay con rơi vào cảnh thất nghiệp, cả gia đình gặp nhiều khó khăn, phải chi tiêu rất dè sẻn. Tôi có nhờ những người xịt xoài mướn giới thiệu việc dùm, nhưng chính những người làm thuê chuyên nghiệp còn than vãn mỗi tuần chỉ đi làm được 2 buổi thì con tôi sao chen vào làm được” - chú Hùng bộc bạch. 

Không có việc làm ở thành phố, nhiều lao động trở về quê càng gặp khó khăn hơn. Bởi lẽ, công việc nhà nông hiện nay đã bị thu hẹp do máy móc nông nghiệp phát triển, các công việc còn lại đòi hỏi lao động nặng nhọc, độc hại. Nhiều NLĐ đã quen với môi trường làm việc trong phân xưởng không thể chịu đựng được khổ cực của việc làm ở quê nhà.

“Nhà tôi có gần 60 công đất ruộng, mỗi lần cần sửa sang đất, làm bờ đê đi tìm lao động rất khó khăn. NLĐ có nhưng kén việc, họ thường chọn những việc nhẹ hơn chút, còn vất vả quá như đắp đất, cắt lúa bằng tay thì họ không nhận” - anh Nguyễn Trung Cang (xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn) tâm tư.

Không thể chịu nổi cảnh thất nghiệp dài hạn, trong khi phải gồng gánh nuôi cha mẹ già đau bệnh, nuôi con nhỏ, nhiều chị em đã buộc phải thích nghi. Bà Phạm Ngọc Chiều (xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới) cho hay: “Các em cháu ngày trước làm ở Bình Dương, sinh hoạt cũng ổn, nhưng khi thất nghiệp, không có tiền đóng trọ, cuộc sống rất khó khăn. Tôi có 2 đứa con gái đi làm Bình Dương, đang trong cảnh thất nghiệp. Tôi động viên, nếu khó khăn quá thì trở về quê nhà, trước mắt lãnh cạo hạt điều, kiếm 10.000 - 20.000 đồng/ngày, từ từ đợi qua cảnh khó khăn, doanh nghiệp tuyển dụng thì quay trở lại làm việc”.

Còn chị T. (xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn) sau khi trở về quê nhà cũng phải tự thích ứng. Chị đi thu mua cá đồng do người dân đánh bắt rồi ngồi chợ, chạy xe đạp bán dạo hay đăng online mong người quen ủng hộ, để làm sao lo được vài trăm ngàn đồng chăm lo chồng đi chạy thận. “Hai vợ chồng lúc trước bồng bế con cái lên Bình Dương, những tưởng làm chăm chỉ, sẽ có tương lai tốt đẹp. Vậy mà, chồng tôi mắc căn bệnh suy thận, nếu tôi không làm không biết lấy gì xoay xở” - chị T. chia sẻ.

Lao động xa quê bao năm, có người không phải chăm lo những thành viên phụ thuộc thì còn có tích cóp để vượt qua giai đoạn khó khăn; còn với người phải nặng gánh gia đình, họ không thể dành dụm, nay gặp cảnh thất nghiệp càng khó khăn hơn. Có người nhiều năm xa quê còn đeo mang những chứng bệnh nan y, nhà cửa bỏ phế nhiều năm đã xuống cấp, mục nát. Với tinh thần “Tương thân, tương ái”, nhiều địa phương, nhà hảo tâm đã chung tay giúp đỡ họ có được mái nhà lành lặn, vận động hàng xóm chăm lo NLĐ trở về quê trong cơn đau bệnh.

Trong cảnh khó khăn, nhiều NLĐ biết trân quý và thích nghi nhanh để hòa nhập với đời sống làng quê, tìm việc làm phù hợp, nhưng không ít người vẫn còn tâm lý kén chọn việc làm, so sánh thu nhập, đó chính là trở ngại tâm lý lớn nhất khiến họ khó tìm việc. Để thích ứng tại quê nhà, NLĐ cần thay đổi tư duy, tăng khả năng hòa nhập để từng bước vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

NGỌC GIANG