Trong khuôn viên của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh An Giang, hình ảnh làm chúng tôi xúc động là cái ôm chặt của người mẹ tuổi đã ngoài 60 với đứa con trai của mình sau 9 tháng xa cách. Người mẹ ấy đã bắt chuyến xe sớm từ huyện Chợ Mới sang, đợi đến tận trưa để con hoàn thành thủ tục, đón con về.
Trong câu chuyện tâm tình của hơn 100 lao động người Việt được đón về từ cuối tháng 8/2022 đến nay và của riêng 2 mẹ con, tôi chợt nhận ra điểm chung là vì thiếu việc làm và thiếu nhận thức nên các lao động trẻ đã sa chân lỡ bước.
Lý do mà nhiều lao động muốn sang Campuchia tìm việc là luôn tin tưởng vào những người đã đi làm trước, từng trải nghiệm đường đi, nước bước và sẵn sàng giới thiệu việc làm “việc nhẹ, lương cao”. Bạn N.T.T (28 tuổi, quê xã Long Điền B, huyện Chợ Mới) chia sẻ: “Tôi như rơi vào cái vòng lẩn quẩn của tìm việc rồi thất nghiệp. Ngày trước, do ở quê không tìm được việc làm đảm bảo cuộc sống nên tôi theo bạn bè lên tỉnh Bình Dương làm công nhân. Trong đợt dịch COVID-19, tôi phải liên tục "nhảy việc". Rồi đến lúc không còn bám trụ nơi đất khách, tôi và vợ trở về tìm việc làm gần nhà. Thế nhưng chưa được bao lâu, trong nỗi buồn khi người vợ rời đi, tôi đã buông trôi số phận… Sau khi mãn hạn tù, tôi về nhà lại gặp khó khăn khi tìm việc. Trong lúc buồn, tôi liên lạc với người bạn đang ở Campuchia và xách ba lô rời quê tìm việc”.
Lao động trở về từ Campuchia được chia sẻ, động viên tinh thần
Ánh mắt đỏ hoe, T. nhớ lại những ngày tháng cơ cực khi được đưa đến một sòng bạc ở một nơi hoang vu thuộc huyện Kongpisây (tỉnh Kompong Spư, Vương quốc Campuchia). Từ một người không biết gì, T. được hướng dẫn (ở đây gọi là học nghề) để có thể trở thành nhân viên lên mạng tìm khách hàng cài app để chơi tài xỉu, bóng đá, lắc bầu cua, số đề. Có khi là ngày, có khi là đêm, T. và hơn 250 người phải làm việc đến 16 giờ/ngày, không được dùng điện thoại, không được nhận lương và luôn bị trừ lương, bị phạt bằng roi điện nếu không đạt doanh số 60-70 triệu đồng/ngày.
“Chúng tôi không được gì, còn bị trừ lương mỗi lần làm sai để tăng cảm giác cho người lao động rằng, cần phải làm việc nhiều hơn để thanh toán khoản nợ công ty hoặc điện thoại cho người nhà gửi tiền sang chuộc về. Thế nhưng, ngay khi mẹ tôi “vay nóng” gần 80 triệu đồng gửi sang thì họ không giữ lời hứa, tiếp tục bắt chúng tôi làm việc, nếu không sẽ bị bán đến một sòng bạc khác. Ở quê nhà, mẹ tôi đã tìm nhiều cách để giải cứu tôi nhưng không được, mãi đến khi cảnh sát Campuchia thực hiện lệnh truy quét các sòng bạc thì tôi mới được giải cứu. Cái ngày tôi bước ra cánh cửa sòng bạc, cảm giác như mình được “sống lại” sau 9 tháng sống không bằng chết” - T. trải lòng.
Là người bạn thân chung phòng nơi làm việc với N.T.T, bạn L.V.T (28 tuổi, quê huyện Long Bình, tỉnh Lạng Sơn) cũng cùng chung số phận nghiệt ngã, bị bóc lột sức lao động, bị khủng bố tinh thần và xâm hại thể xác. Qua câu chuyện kể về chuyện đưa đẩy đến nơi “địa ngục trần gian”, chúng tôi chợt hiểu chỉ vì cuộc sống quá khó khăn, cần việc làm và nhẹ dạ... mà người ta dễ rơi vào cạm bẫy.
“Nhà tôi thuộc vùng miền núi của Lạng Sơn, đường đi lại quá khó khăn nên từ nhỏ tôi không được ăn học nhiều. Đến khi trưởng thành, do thấy việc làm nương rẫy giống cha mẹ không kiếm được mấy đồng nên tôi đến khu công nghiệp tìm việc làm và nên duyên cùng một bạn nữ đồng nghiệp. Thế nhưng, cuộc sống ngày càng khó khăn hơn khi tôi bị sa thải, chỉ còn mỗi vợ còn việc làm mà phải lo tiền trọ, tiền nuôi đứa con nhỏ 3 tuổi.
Thấy vậy, tôi gửi con về nhà cho ông bà nội chăm sóc, để vợ bám trụ công ty, còn tôi lên đường đi lao động nước ngoài theo lời giới thiệu của cô bạn thân. Không tìm hiểu nhiều, tôi được bạn đón và đưa sang Campuchia, đến nơi thì mới biết rằng mình bị chính cô bạn lừa bán với giá 5.000 USD. Trong 6 tháng sống trong đau khổ, tuyệt vọng rồi tôi lại được người quản lý cho liên lạc về gia đình gửi tiền sang chuộc về. Cha mẹ tôi đã bán luôn mảnh đất duy nhất để gửi tiền sang nhưng vẫn chưa thỏa được “lòng tham vô đáy” của những con người ấy. Mãi đến hôm nay, tôi mới được giải cứu” - L.V.T bộc bạch.
Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Văn Đạt thông tin: “Với 3 đợt An Giang tiếp nhận công dân từ Campuchia, số lượng 110 người, chúng tôi đều hỗ trợ nơi ăn nghỉ, làm thủ tục và liên hệ các tỉnh, thành phố tiếp đón về địa phương. Chúng tôi mong rằng, các lao động sau các đợt giải cứu trở về sẽ sớm ổn định tinh thần và sức khỏe. Qua lần lựa chọn sai lầm, mong các bạn tự trang bị thêm kiến thức, tìm hiểu các kênh việc làm chính thống, uy tín để tìm được việc làm phù hợp, đừng vì thiếu hiểu biết, chủ quan, nóng vội mà có những lựa chọn sai lầm để phải rơi vào những cạm bẫy nguy hiểm”.
NGỌC GIANG