Theo báo cáo của Sở Y tế, 6 tháng đầu năm 2025 toàn tỉnh ghi nhận 1.625 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 25,2% so với cùng kỳ 2024, chưa ghi nhận trường hợp tử vong, cụ thể: Khu vực An Giang (cũ) ghi nhận 1.381 ca mắc, tăng 56% so cùng kỳ năm 2024 (886 ca), với 446 ổ dịch; có 67 ca sốt xuất huyết Dengue nặng. Khu vực Kiên Giang (cũ) ghi nhận 244 ca mắc, giảm 40,8% so với cùng kỳ năm 2024 (412 ca), với 75 ổ dịch; có 11 ca sốt xuất huyết Dengue nặng.
Nhân viên Trạm Y tế Vĩnh Lạc lồng ghét phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống bệnh sốt xuất huyết cho phụ huynh đưa trẻ đến trạm uống vitamin A.
Bệnh tay chân miệng toàn tỉnh ghi nhận 2.238 ca mắc, tăng 74,6% so với cùng kỳ năm 2024 (1.282 ca); trong đó khu vực An Giang (cũ) ghi nhận 1.798 ca mắc, tăng 93% so cùng kỳ năm 2024; khu vực Kiên Giang (cũ) ghi nhận 440 ca mắc, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2024. Nhóm trẻ từ 1 - 5 tuổi chiếm tỷ lệ mắc bệnh cao nhất với 80% tổng số ca mắc.
Phó Giám đốc Sở Y tế Chung Tấn Thịnh cho biết: “Thời gian qua, các đơn vị nỗ lực thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh; xử lý kịp thời 100% ổ dịch khi phát hiện bằng các biện pháp vệ sinh môi trường, phun hóa chất; có 96,7% ổ dịch được xử lý đạt yêu cầu về thời gian, bán kính và chỉ số côn trùng. Toàn tỉnh tổ chức 2 đợt ra quân chiến dịch diệt lăng quăng trên diện rộng, tập trung vào các xã có nguy cơ cao. Công tác giám sát sau chiến dịch ghi nhận các chỉ số lăng quăng đều được hạ thấp dưới ngưỡng nguy cơ”.
Nhân viên Trạm Y tế Vĩnh Lạc lồng ghét phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống bệnh sốt xuất huyết cho phụ huynh đưa trẻ đến trạm uống vitamin A.
Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai đa dạng các hình thức truyền thông như treo băng rôn, phát tờ rơi, đăng bài trên website, nền tảng mạng xã hội… các thông tin, khuyến cáo về phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng; thường xuyên giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương trong công tác xử lý ổ dịch và triển khai các chiến dịch.
Tuy nhiên, trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. “Tỉnh An Giang (mới) sau khi sắp xếp địa giới hành chính có diện tích lớn, địa hình đa dạng gồm đồng bằng, biên giới, thành thị và hải đảo. Điều này gây áp lực lớn lên hệ thống giám sát, đòi hỏi nguồn lực cao hơn để bao phủ. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở còn thiếu về số lượng và kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, ảnh hưởng đến chất lượng công tác giám sát, điều tra dịch tễ và triển khai các chương trình y tế tại cộng đồng”, bác sĩ Chung Tấn Thịnh nói.
Bên cạnh đó, mật độ dân số cao, cùng với lượng lớn khách du lịch, người lao động di chuyển giữa các địa phương là yếu tố nguy cơ làm gia tăng khả năng lây lan của các bệnh truyền nhiễm. Một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan, chưa tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân và vệ sinh môi trường, dẫn đến các ổ dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng vẫn âm ỉ và có nguy cơ bùng phát.
Hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa qua Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh thành lập đoàn công tác phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện giám sát hỗ trợ công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trên địa bàn phường Long Xuyên. Đoàn khảo sát thực tế công tác phòng, chống dịch bệnh tại trạm y tế, trường mầm non, hộ gia đình và công tác thu dung, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa An Giang.
Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Vũ Thượng, trưởng đoàn công tác đề xuất: “Để chủ động phòng, chống dịch bệnh thời gian tới, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh điều chỉnh kế hoạch phòng, chống dịch bệnh phù hợp với tình hình hiện nay; đồng thời, tham mưu chính quyền địa phương hỗ trợ về nguồn lực, duy trì các mô hình hay; truyền thông cần thực hiện liên tục, xuyên suốt nhằm khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh và phát hiện bệnh kịp thời”.
Bác sĩ Trần Thế Vinh - đại diện Ban Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Trung tâm tham mưu Sở Y tế tổ chức đợt 3 ra quân chiến dịch diệt lăng quăng trên diện rộng, xử lý triệt để 100% các ổ dịch mới phát sinh, phun hóa chất chủ động tại các khu vực có chỉ số côn trùng vượt ngưỡng nguy cơ. Đồng thời, tổ chức tập huấn xử lý ổ dịch cho cán bộ y tế các xã mới sau sáp nhập; tăng cường truyền thông, nhắc nhở người dân thực hiện phòng, chống bệnh sốt xuất huyết”.
6 tháng đầu năm 2025, bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng trên địa bàn phường Rạch Giá đều giảm. Bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 5 ca, giảm 90% so cùng kỳ năm 2024 (49 ca), bệnh tay chân miệng ghi nhận 12 ca, giảm 40% so cùng kỳ năm 2024 (19 ca).
Bác sĩ Nguyễn Văn Quý - Giám đốc Trung tâm Y tế Rạch Giá cho biết: “Trung tâm chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp trạm y tế giám sát địa bàn, hộ gia đình tại vùng có dịch và vùng nguy cơ có dịch để kiểm tra, xử lý các dụng cụ chứa nước để hướng dẫn gia đình tiến hành các biện pháp diệt lăng quăng. Vào đầu mỗi năm học mới, trung tâm phối hợp các trường học tổ chức phun hóa chất diệt muỗi, hướng dẫn rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân phòng bệnh tay chân miệng”.
Ngoài ra, thực hiện tiêm ngừa định kỳ hàng tháng cho trẻ, nhân viên trạm y tế lồng ghép phát tờ rơi tuyên truyền bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và các bệnh truyền nhiễm khác cho phụ huynh để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
6 tháng đầu năm 2025, bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng trên địa bàn phường Rạch Giá đều giảm. Bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 5 ca, giảm 90% so cùng kỳ năm 2024 (49 ca), bệnh tay chân miệng ghi nhận 12 ca, giảm 40% so cùng kỳ năm 2024 (19 ca). |
Bài và ảnh: MI NI