Lịch sử gọi tên ông Donald Trump và Kim Jong-un

12/06/2018 - 08:24

Thời khắc được cả thế giới mong chờ sắp đến. Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sắp tham gia một hội nghị thượng đỉnh lịch sử, chỉ có hai người mặt đối mặt và phiên dịch viên.

Cơ hội quý giá

Cuộc gặp diễn ra lúc 9 giờ sáng 12-6 tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa ở Singapore.

Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đương nhiệm gặp một lãnh đạo Triều Tiên. Ảnh: AP

Theo đánh giá của CNN, định mệnh đang trao cho Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un một cơ hội mà chỉ vài nhân vật lịch sử có được. Cùng với nhau, họ có thể thay đổi thế giới.

Cuộc gặp trực diện giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên là một sự khởi đầu đã được chờ đợi suốt 70 năm qua. Cuộc gặp mà chỉ vài tháng trước đây tưởng như là điều không thể tưởng tượng nổi khi mà họ dành cho nhau những lời lẽ khiến thế giới lo ngại sắp xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Cuộc gặp có thể mở ra một quá trình đập tan mặt trận cuối cùng của Chiến tranh Lạnh trên thế giới, tiến tới một nền hòa bình vĩnh viễn, chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1053, định hình lại địa chính trị khu vực châu Á-Thái Bình Dương và có thể giúp Triều Tiên hòa nhập với thế giới.

Tổng thống Trump đã tới Singapore sau khi đối đầu gay gắt với đồng minh của Mỹ về việc áp đặt thuế quan thương mại. Sự đối đầu đó đã khiến Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Canada thất bại khi mà ông Trump từ chối ký tuyên bố chung.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 11-6 thừa nhận có căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và đồng minh thân cận nhưng lạc quan rằng mối quan hệ sẽ vượt qua sóng gió. Tuy vậy, bất đồng giữa Mỹ và các nước còn lại của G7 có thể gây áp lực chính trị với Tổng thống Trump, khiến ông cảm thấy phải trở về Mỹ sau hội nghị thượng đỉnh với một kết quả tốt đẹp.

Nếu thành công, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ được nhắc tới như cuộc gặp giữa Tổng thống Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev.

Cuộc gặp cũng có một rủi ro lớn vì nếu thất bại, tiến trình ngoại giao sẽ bị “loạn nhịp”, khiến hai quốc gia tiến gần hơn tới xung đột vũ trang thảm họa.

Cuộc gặp diễn ra tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa. Ảnh: AP

Dù vậy, trước giờ G, mỗi bên tham gia hội nghị thượng đỉnh ở Sentosa đều bày tỏ lạc quan.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 10-6 khẳng định nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẵn sàng đàm phán về phi hạt nhân hóa và hòa bình tại một hội nghị thượng đỉnh được tổ chức “lần đầu tiên trong lịch sử trong sự chú ý và kỳ vọng lớn lao của toàn thế giới”.

Về phần mình, Tổng thống Trump ngày 9-6 cho biết Triều Tiên có một cơ hội duy nhất để làm nên lịch sử. Ông nói: “Tôi cảm thấy ông Kim Jong-un muốn làm điều gì đó vĩ đại cho người dân”. Khi mới đáp máy bay xuống căn cứ không quân Paya Lebar ở Singapore ngày 10-6, ông cũng cho biết cảm thấy “rất lạc quan” về cuộc gặp sắp tới với ông Kim Jong-un.

Theo CNN, cuộc gặp mặt đối mặt giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên là cực điểm sau nhiều năm căng thẳng với tên lửa, hạt nhân liên tiếp rời bệ phóng, với nỗ lực ngoại giao đổ bể.

Cuộc gặp diễn ra trong một thời điểm có triển vọng sau khi Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều ngày 27-4 thành công, đặt nền tảng và cơ sở quan trọng cho Tổng thống Trump và ông Kim Jong-un.

Tình hình cũng đang trở nên cấp thiết vì một loạt vụ thử tên lửa, hạt nhân cho thấy Triều Tiên tiến gần tới năng lực có thể gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vươn tới Mỹ.

Thực tế mới khiến Tổng thống Trump đối mặt với lựa chọn khó khăn là hành động quân sự có thể khiến hàng nghìn, thậm chí hàng triệu người trên Bán đảo Triều Tiên, bị đe dọa hay là tham gia một cuộc đàm phán ngoại giao táo bạo để gạt mối đe dọa hạt nhân.

Tổng thống Trump đối mặt với một trách nhiệm nặng nề khi đàm phán về một vấn đề an ninh quốc gia có thể ảnh hưởng tới hàng triệu người Mỹ. 

Hi vọng đột phá

Lịch sử ngoại giao thất bại giữa Mỹ và Triều Tiên khiến nhiều người hoài nghi về một thay đổi thực sự.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo ngày 11-6 cũng nhắc lại lịch sử sóng gió giữa hai bên, nhưng cho rằng hai quốc gia phải tới bên nhau và có đủ tin tưởng vào nhau để đạt được một thỏa thuận.

Ông Pompeo nói: “Mỗi chúng ta sẽ phải đảm bảo rằng chúng ta thực hiện hành động cần thiết để tuân thủ thỏa thuận và khi chúng ta làm vậy, chúng ta sẽ có một thỏa thuận được xác minh. Và nếu chúng ta có thể tiến xa vậy, chúng ta sẽ có một thay đổi lịch sử”.

Ngoại trưởng Mỹ (phải) và Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong Chol tại New York. Ảnh: AP

Theo CNN, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều có thể là khoảnh khắc đoàn kết hiếm hoi trong một nhiệm kỳ tổng thống Mỹ - nhiệm kỳ có lẽ sẽ được ghi nhớ là chia rẽ nhất lịch sử.

Giải quyết được vấn đề hạt nhân Triều Tiên sẽ là một trong những thành công ngoại giao lớn nhất của Mỹ kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Thành công ở Singapore, kinh tế Mỹ phát triển mạnh sẽ là đòn bẩy giúp Tổng thống Trump tại cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ khắc nghiệt.

Về phía Triều Tiên, hội nghị thành công sẽ khiến Triều Tiên gặt hái được nhiều điều. Trước hết là vị thế và sự tôn trọng khi đàm phán ngang hàng với Mỹ.

Về ngắn hạn, hội nghị thượng đỉnh trao cho Triều Tiên cơ hội được giảm nhẹ trừng phạt quốc tế. Về lâu dài, Triều Tiên có thể có lợi từ đầu tư của Mỹ và cộng đồng quốc tế, cũng như sự đảm bảo về an ninh.

Trước đó, Triều Tiên đã được thế giới đánh giá cao khi thả ba tù nhân người Mỹ, phá hủy bãi thử hạt nhân. 

Bà Kathleen Stephens, cựu Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, nhận định: “Tôi thực sự nghĩ rằng ông Kim Jong-un rất nghiêm túc với ý muốn biến Triều Tiên thành một quốc gia giống như các nước láng giềng, giống như các nền kinh tế châu Á thành công”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên từng kêu gọi giải giáp hạt nhân theo giai đoạn và đồng bộ, trái với quan điểm của Mỹ là phi hạt nhân hóa nhanh chóng, toàn diện và không thể đảo ngược.

Tuy nhiên, sau cuộc gặp với Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong Chol tại Nhà Trắng đầu tháng, Tổng thống Trump đã tỏ ra linh hoạt hơn và cho biết sẽ bắt đầu một tiến trình.

Tổng thống Trump và ông Kim Yong Chol tại Nhà Trắng. Ảnh: Nhà Trắng

Viễn cảnh xấu nhất là hội nghị thượng đỉnh chỉ đơn thuần là cơ hội chụp ảnh cho phóng viên quốc tế, không thể khởi động một tiến trình ngoại giao khả thi.

Viễn cảnh tốt nhất là một tuyên bố chung kêu gọi phi hạt nhân hóa và đảm bảo an ninh tương lai cho Triều Tiên, cuối cùng là tiến tới bình thường hóa quan hệ.

Cả hai bên có thể đề nghị những bước đi xây dựng lòng tin. Ví dụ, Tổng thống Trump từng nói có thể mời ông Kim Jong-un tới Mỹ. Và ông Kim Jong-un cũng đã mời Tổng thống Trump thăm Bình Nhưỡng.

Dù vậy, tất cả nhận định chỉ là nhận định nhưng cả thế giới hoàn toàn có thể đặt hi vọng vào ngày 12-6.

Theo THÙY DƯƠNG (Báo Tin Tức)