Nông dân huyện Gò Quao (Kiên Giang) thu hoạch lúa Hè Thu. Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN
Tại địa bàn tỉnh, thương lái thu mua từ 7.800 đồng/kg đến hơn 8.000 đồng/kg tùy theo loại giống và chất lượng sản phẩm lúa.
Vụ lúa Hè Thu này, Kiên Giang xây dựng được 544 cánh đồng lớn, với tổng diện tích hơn 76.390 ha; trong đó, 372 cánh đồng với tổng diện tích trên 49.770 ha đã gắn liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm lúa cho nông dân.
Tuy nhiên, sản xuất vụ lúa Hè Thu của tỉnh gặp nhiều trở ngại do tác động bất lợi của dịch bệnh với hơn 19.200 ha nhiễm sâu bệnh gây hại. Tiếp đến, giá cả nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào phục vụ sản xuất như xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… ở mức cao dẫn đến tăng chi phí sản xuất. Diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là trong 3 tháng của quý III/2023, do ảnh hưởng hoàn lưu của các cơn bão đã tác động bất lợi đến sản xuất lúa Hè Thu, gây thiệt hại khoảng 8.850 ha.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn chia sẻ, trước thông tin dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, khả năng các tháng cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, sản xuất nông nghiệp sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường. Theo đó, nguy cơ xuất hiện áp thấp nhiệt đới và bão, nắng nóng, hạn hán, thiếu nước ngọt sẽ tác động bất lợi đến sản xuất nông nghiệp.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang phối hợp với các huyện, thành phố tập trung chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch dứt điểm vụ lúa Hè Thu và Thu Đông 2023; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn và chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó khi tình huống xấu xảy ra để giảm tác động bất lợi đến sản xuất. Đồng thời, dựng kế hoạch, phương án sản xuất vụ lúa Mùa và Đông Xuân 2023 - 2024 theo hướng an toàn, bền vững và hiệu quả, nâng cao chất lượng lúa hàng hóa.
Ngoài việc tăng cường khuyến nông, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho lúa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang chỉ đạo quản lý, vận hành đóng, mở các cống tuyến đê biển Rạch Giá - Kiên Lương, An Biên - An Minh và tuyến đê bao Ô Môn - Xà No thuộc hai huyện Giồng Riềng, Gò Quao, các cống trên địa bàn thành phố Rạch Giá và hai huyện Châu Thành, U Minh Thượng gắn với phòng chống ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn… để phục vụ sản xuất an toàn, hiệu quả. Chi cục Thủy lợi Kiên Giang phối hợp vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé đảm bảo phục vụ sản xuất cho các địa phương trong vùng.
Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, năm lương thực 2023, tổng diện tích gieo trồng lúa của tỉnh 712.685 ha, đạt 101,81% kế hoạch, gồm: Vụ lúa Mùa và Đông Xuân 2022 - 2023, vụ Hè Thu và Thu Đông 2023. Đến nay, đã thu hoạch hơn 540.000 ha, sản lượng hơn 3,6 triệu tấn, đạt 81,8% kế hoạch, với lúa chất lượng cao chiếm tỷ lện trên 97%.
Tỉnh tổ chức sản xuất 1.334 cánh đồng lớn (tăng 641 cánh đồng so với năm 2022), với tổng diện tích hơn 167.225 ha, trong đó, có 1.026 cánh đồng lớn, tổng diện tích 120.696 ha gắn liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa cho nông dân. Các vùng trồng lúa trọng điểm được cấp hơn 300 mã số, tổng diện tích hơn 6.000 ha sản xuất lúa xuất khẩu sang các thị trường EU, Nhật Bản…
Theo TTXVN