Đẩy mạnh phát triển hợp tác xã
Chi cục Phát triển nông thôn An Giang cho biết, năm 2021, đơn vị đã hỗ trợ thành lập mới 9 HTX và Liên hiệp HTX Thoại Sơn, đồng thời giải thể 2 HTX (HTX nông nghiệp Phước Thạnh, huyện Chợ Mới và HTX nông nghiệp Châu Long, TP. Châu Đốc). Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 188 HTX nông nghiệp và 2 liên hiệp HTX nông nghiệp.
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Liên minh HTX tỉnh và Hội Nông dân tỉnh đã tăng cường phối hợp phát triển HTX, tổ hợp tác (THT) gắn với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực tỉnh An Giang. Sở NN&PTNT An Giang đã trình UBND tỉnh phê duyệt đề án phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển HTX, THT trong nông nghiệp tỉnh An Giang, giai đoạn 2021-2025; lấy ý kiến các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, địa phương, doanh nghiệp (DN), HTX để hoàn chỉnh dự thảo, trình UBND tỉnh quyết định ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động 06-CTr/TU, ngày 29-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển HTX, THT gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang, giai đoạn 2021-2025. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang.
Cùng với hỗ trợ thành lập HTX kiểu mới trong nông nghiệp, tỉnh thường xuyên mời gọi, khuyến khích DN đẩy mạnh liên kết sản xuất. Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Văn Hinh cho biết, năm 2021, diện tích thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa của các DN đạt khoảng 65.307ha; rau màu khoảng 7.000ha; cây ăn trái 500ha. Đối với chăn nuôi, các DN đã thực hiện liên kết với số lượng hơn 1,83 triệu vật nuôi (heo thịt 32.800 con; gà thịt 1,32 triệu con; vịt thịt là 480.000 con). Trong khi đó, tổng diện tích liên kết tiêu thụ thủy sản đạt 1.594,9ha (cá tra thương phẩm, lươn, ếch, cá lóc…).
Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, thu hoạch và tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, Sở NN&PTNT đã phối họp các sở, ngành, đoàn thể, địa phương hỗ trợ gắn kết, tiêu thụ hầu hết nông sản cho nông dân bằng nhiều hình thức, như: Kênh bán hàng trực tuyến (online), mạng xã hội Zalo (nhóm HTX NN An Giang), diễn đàn http://htx.cooplink.com.vn của Trung tâm Kinh tế hợp tác (CCD)…
Kiểm tra, đốc thúc tiến độ thi công các công trình giao thông nông thôn thuộc Dự án VnSAT, nhằm tạo thuận lợi cho liên kết tiêu thụ nông sản
Mở rộng liên kết
Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, năm 2022, đơn vị tiếp tục triển khai thực Đề án phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển HTX nông nghiệp theo Quyết định 1400/QĐ-UBND, ngày 22-7-2021 của UBND tỉnh. Đồng thời, mời gọi các DN thực hiện liên kết sản xuất. Năm 2022, các DN có kế hoạch thực hiện liên kết sản xuất lúa, nếp 126.760ha (gần gấp đôi năm 2021), gồm: Vụ đông xuân 2021-2022 là 44.260ha; vụ hè thu 2022 là 48.940ha và vụ thu đông 2022 là 33.560ha. Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời có kế hoạch triển khai thực hiện với diện tích 109.960ha (đông xuân 36.960ha; hè thu 38.500ha; thu đông 34.500ha).
Đối với công tác đào tạo nghề lao động nông thôn, ưu tiên 70% đào tạo cho lao động ở các DN nông nghiệp, thành viên HTX, THT, lao động ở các trang trại thực hiện những dự án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; 30% cho đối tượng chính sách, an sinh xã hội. Ngành chuyên môn sẽ xây dựng và đổi mới nội dung chương trình, giáo trình dạy nghề theo tiêu chuẩn kỹ năng phù hợp với tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sản xuất.
Đối với việc cơ giới hóa, phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn, Sở NN&PTNT An Giang tăng cường công tác truyền thông, đưa thông tin hiệu quả của việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; tập trung triển khai, đề xuất các mô hình ứng dụng cơ giớ hóa đồng bộ để đánh giá hiệu quả. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, đưa thông tin hiệu quả của các dự án hỗ trợ máy, thiết bị cho các sản phẩm làng nghề, ngành nghề nông thôn lên báo, đài và website của ngành nông nghiệp, của tỉnh để phổ biến, giới thiệu rộng rãi đến các tổ chức kinh tế tìm hiểu và hợp tác nhân rộng. Đồng thời, chọn lọc các sản phẩm làng nghề, ngành nghề nông thôn tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để tìm kiếm thị trường.
Thực hiện Nghị định 62/2019/NĐ-CP, ngày 11-7-2019 về hỗ trợ người trồng lúa, năm 2022, các ngành chuyên môn của Sở NN&PTNT sẽ hỗ trợ xây dựng 6 mô hình câu lạc bộ thành viên HTX nông nghiệp tại các ddịa phương: Thoại Sơn, Tri Tôn, Châu Phú, Chợ Mới, TX. Tân Châu; nhân rộng 5 mô hình câu lạc bộ thành viên HTX nông nghiệp (đã thành lập năm 2021) tại các huyện: Châu Thành, Thoại Sơn, Tri Tôn, Châu Phú và Phú Tân. |
NGÔ CHUẨN