Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh An Giang Trần Văn Cứng cho biết: Những năm qua, KTTT, HTX không ngừng được củng cố và phát triển. Trọng tâm là các HTX nông nghiệp, trong liên kết theo chuỗi giá trị có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Toàn tỉnh hiện có 289 HTX hoạt động trên 6 lĩnh vực, gồm: 220 HTX nông nghiệp - thủy sản; 28 HTX vận tải; 5 HTX tiểu thủ công nghiệp; 11 HTX thương mại - dịch vụ - du lịch; 1 HTX khai khoáng; 24 Quỹ tín dụng Nhân dân và 2 liên hiệp HTX (huyện Thoại Sơn và Tri Tôn). Tổng số toàn tỉnh có 139.745 thành viên HTX (bao gồm thành viên cá nhân và thành viên pháp nhân). Liên hiệp HTX có thành viên là 19 HTX nông nghiệp. Tổng số lao động làm việc thường xuyên trong HTX, liên hiệp HTX là 6.303 người. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX, liên hiệp HTX 63 triệu đồng/năm. Doanh thu bình quân của HTX, liên hiệp HTX 5,5 tỷ đồng/năm.
Hợp tác xã liên kết sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản
Ông Trần Văn Cứng cho rằng, KTTT với nòng cốt là HTX có sự thay đổi cơ bản, bắt đầu chuyển sang hướng phục vụ phát triển kinh tế thành viên theo đúng nguyên tắc HTX thông qua việc mở rộng liên doanh, liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao hiệu quả SXKD. Rõ nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và đang lan tỏa dần sang các lĩnh vực khác. Trong đó, lợi ích về kinh tế đối với thành viên là động lực cho sự ra đời và phát triển của HTX; thực sự từng bước thực hiện vai trò hỗ trợ thúc đẩy kinh tế thành viên phát triển; tăng cường mối liên kết trong nội bộ HTX và giữa HTX với các DN khác.
Đến nay, các HTX tiếp tục hoạt động ổn định, phục vụ tốt cho thành viên và cộng đồng. Một số HTX nông nghiệp kiểu mới đã hình thành, thu hút thêm thành viên, vốn góp, người lao động; bảo đảm ổn định đầu vào, đầu ra cho thành viên. Đa số HTX hoạt động đều có lãi, chia lợi nhuận cho thành viên bình quân 1,5%/tháng, có tích lũy để mở rộng SXKD. Các dịch vụ phục vụ cho thành viên HTX có giá thấp hơn các cơ sở tư nhân từ 5 - 20%, góp phần giải quyết lao động địa phương, bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/lao động/tháng và đóng góp tích cực vào các chính sách an sinh xã hội, tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM).
Việc liên kết chuỗi giá trị giữa các HTX nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập đã mang lại nhiều kết quả, như: Giải quyết một phần khó khăn trong tiêu thụ nông sản cho thành viên và nông dân; tạo ra vùng nguyên liệu ổn định; giảm chi phí, tăng thu nhập do cơ giới hóa và áp dụng khoa học - kỹ thuật... Các HTX và THT còn góp phần dẫn dắt kinh tế hộ. Nhiều HTX nông nghiệp với quy mô nhiều thành viên, làm tốt các dịch vụ nông nghiệp, tiêu biểu, như: Công ty Cổ phần Xuất, nhập khẩu An Giang (Angimex), Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, Công ty TNHH Tân Thạnh An, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH An Thạnh, Công ty TNHH XNK SunRice…
Các HTX nông nghiệp xác lập được vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm ở nông thôn, bảo đảm ổn định giá dịch vụ vật tư đầu vào, làm gia tăng giá trị cho hoạt động SXKD, phát triển kinh tế hộ thành viên. Nhiều HTX hoạt động tín dụng nội bộ, hỗ trợ cung ứng vốn kịp thời cho hộ thành viên sản xuất, giải quyết khó khăn trong sinh hoạt, xóa tình trạng “tín dụng đen” trong nông thôn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Nhiều HTX xây dựng được mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của tỉnh. Từ đó, phát triển thành HTX nông nghiệp kiểu mẫu, có tính lan tỏa, đáp ứng yêu cầu, mong muốn của người dân và DN. “HTX GAP Cù Lao Giêng (huyện Chợ Mới) phát triển từ Hội quán xoài. Từ 7 nông dân ban đầu, đến nay lên 26 người, hơn 200 thành viên liên kết trồng xoài, trên diện tích trên 200ha. HTX tích cực tham gia từ rất sớm vào dự án nâng cao chuỗi giá trị xoài ở ĐBSCL. Đến nay, HTX đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với các công ty xuất khẩu xoài qua các thị trường Úc, Hoa Kỳ...”- Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc HTX GAP Cù Lao Giêng Nguyễn Minh Hiền cho biết.
Bên cạnh đó, các HTX phi nông nghiệp hoạt động kinh doanh tương đối ổn định mang lại nhiều lợi ích cho thành viên và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Nỗ lực tìm kiếm thị trường, mạnh dạn đầu tư thiết bị, phương tiện để duy trì mở rộng SXKD. Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh An Giang Trần Văn Cứng cho biết: “Với vai trò là tổ chức đại diện của các HTX trên địa bàn, Liên minh HTX tỉnh đã giúp các HTX ổn định SXKD; hỗ trợ các HTX thực hiện đầu tư hạ tầng, phối hợp các tổ chức quốc tế triển khai các dự án hỗ trợ về kỹ thuật, tư vấn. Nhờ HTX, kinh tế thành viên được nâng cao, tiết kiệm được chi phí sản xuất trên cơ sở được nhận thêm lợi ích phân phối từ HTX, thành viên cải thiện được thu nhập và đời sống. HTX được củng cố, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhân sự quản trị của số HTX mới thành lập phần lớn có trình độ đại học, có liên kết với DN trong việc cung ứng đầu vào, bao tiêu đầu ra. Hoạt động HTX ngày càng hiệu quả hơn; vai trò HTX được thể hiện rõ nét thông qua việc cùng địa phương xây dựng NTM, NTM nâng cao...”.
HẠNH CHÂU