Linh hoạt trong việc lựa chọn vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình

06/04/2020 - 06:31

 - Việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện An Phú (An Giang) có nhiều chuyển biến tích cực thời gian qua. Nông dân đã rất linh hoạt trong việc lựa chọn các loại vật nuôi mới có giá trị kinh tế, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong phát triển chăn nuôi, góp phần giải quyết việc làm và cải thiện cuộc sống người dân.

Nhiều vật nuôi mới

Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Phú Hội đã phát trển mô hình nuôi cua đồng trên đất ruộng. Mô hình được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định.

Ông Nguyễn Văn Tần (một trong những nông dân tiên phong trong mô hình nuôi cua đồng) cho biết, nuôi cua đồng tương đối đơn giản, dễ áp dụng với điều kiện tại địa phương.

Để thực hiện mô hình, sau khi nước lũ rút, ông Tần tiến hành bao ny-lon xung quanh ruộng, sau đó mua cua ngoài tự nhiên thả với mật độ 3-4 tấn cua giống/công (1.000m2). Trong ruộng thả lục bình, rau muống đồng, bao đất vào để tạo nguồn thức ăn tự nhiên và tạo nơi trú ẩn cho cua khi lột xác.

Nông dân huyện An Phú nhạy bén trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Thức ăn cho cua rất đa dạng, dễ kiếm trong tự nhiên như: cá, ốc… hoặc các sản phẩm từ sản xuất nông nghiệp như: bắp lai, xác dừa, khoai lang... Mỗi tuần, ông cho cua ăn 2 lần với tổng số lượng 100-140kg/công.

Cua đồng thường thu hoạch vào tháng 4, ngoài ra có thể thu hoạch sớm hoặc trễ hơn thời gian dự kiến để chọn thời điểm có giá cao để bán. Thời điểm này, trọng lượng cua đạt từ 25-30 con/kg. Sản lượng thu hoạch 1,8-2 tấn/công, hao hụt khoảng 30-40%. Giá cua thời điểm này khá cao, từ 80.000-100.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 50 triệu đồng/công.

Tại thị trấn An Phú, tận dụng diện tích mặt sông, gia đình anh Nguyễn Quốc Hiếu (ấp An Thạnh) đã xây dựng lồng bè, thực hiện mô hình nuôi cá heo nước ngọt. Trên  diện tích mặt nước khoảng 100m2, anh Hiếu thả nuôi gần 1 tấn cá giống.

Theo anh Hiếu, nuôi cá heo không khó nhưng muốn đạt năng suất phải nắm vững kỹ thuật cũng như tập quán sinh sống của cá. Lồng bè phải được đặt những nơi nước sạch và có dòng chảy mạnh. Cá giống được gia đình anh chọn là cá được đánh bắt từ tự nhiên, mua vào những tháng đầu mùa nước nổi. Thức ăn chủ yếu cho cá heo là cá xay nhuyễn hoặc thức ăn viên có kích thước nhỏ.

Trong quá trình chăn nuôi phải thường xuyên thăm bè, vệ sinh khu vực nuôi để phát hiện kịp thời các bệnh trên cá, như: xuất huyết, ăn không tiêu... từ đó có biện pháp chữa trị.

Cá giống tự nhiên sau 7 tháng nuôi, có thể xuất bán cho thương lái, con giống thời điểm này từ 80.000-90.000 đồng/kg. Với giá bán từ 320.000-380.000 đồng/kg, anh Hiếu thu lợi khoảng 70.000-80.000 đồng/kg cá thương phẩm.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật

Bên cạnh lựa chọn các loại vật nuôi mới cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện canh tác, nông dân huyện đầu nguồn An Phú còn mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó đã giúp nông dân tăng thêm thu nhập, bảo vệ môi trường.

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Trạm Khuyến nông huyện An Phú, ông Kiều Văn Thương (ngụ ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Hội Đông) đã phát triển mô hình chăn nuôi vịt xiêm lai Pháp ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học.

Theo ông Thương, đây là mô hình dễ ứng dụng, vốn đầu tư không nhiều, thực hiện trong thời gian ngắn nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với phương thức nuôi đơn giản, men vi sinh được trộn với cám, sau đó dùng mùn cưa hay trấu rải đều lên bề mặt chuồng nuôi. Nguồn thức ăn chủ yếu là thức ăn công nghiệp, lúa.

Bên cạnh đó, gia đình còn sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp có sẵn để làm thức ăn cho vịt như: rau muống, cua, ốc... để tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, việc sử dụng men vi sinh còn giúp hạn chế mùi hôi, hạn chế bệnh tật, giảm hao hụt, chi phí thuốc thú y, lao động cũng như thức ăn…

“Sau 3 tháng nuôi, đàn vịt khỏe mạnh, mau lớn, trọng lượng đạt cao nhất 3,5kg/con. Hiện nay, giá thành vịt xiêm lai Pháp bán khá cao, nên đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân” - ông Thương chia sẻ.

Thời gian tới, Hội Nông dân huyện An Phú sẽ tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tập trung chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với quy hoạch của vùng sản xuất; ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng các mô hình đa canh, xen canh… để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư, dạy nghề và gắn kết nông dân với chương trình vay vốn để sản xuất và giải quyết việc làm cho nông dân.

ĐÌNH ĐỨC