Trong sâu thẳm trái tim, ai lại không hy vọng rằng con mình sẽ trở thành một trong những người quyền lực nhất thế giới. Vì thế, câu hỏi vẫn là: Làm thế nào để nuôi dạy con trở thành một người thành công?
Dưới đây là một số lời khuyên cho cha mẹ để nuôi dạy một đứa trẻ có khả năng kiểm soát tốt vấn đề tài chính của mình.
1. Nói chuyện với con về tiền bạc
Đây không phải là một chủ đề cấm kỵ. Ngay từ khi còn nhỏ, một đứa trẻ phải biết tiền đến từ đâu, dùng để làm gì và làm cách nào để kiếm được tiền.
Trong một cửa hàng, hãy thử hướng sự chú ý của chúng vào giá cả. Đứa trẻ sẽ rất vui khi trở thành một phần tích cực của quá trình mua sắm. Chúng có thể chọn một cái gì đó từ danh sách mua sắm của bạn và cho bạn biết nó có giá bao nhiêu. Sau đó, chúng sẽ nhận ra tại sao kem đánh răng trị giá 5 USD vẫn ở trên kệ trong khi một loại tương tự có giá 1,2 USD lại vào giỏ hàng của bạn.
Hãy giải thích về công việc của bạn và bạn đời với con, tại sao bạn lại phải đến văn phòng mỗi ngày và mức lương của bạn là bao nhiêu.
Trong bữa tối, hãy nói với con về một ngày mua sắm hoặc một kỳ nghỉ trong tương lai từ góc độ tài chính.
2. Để con làm một số việc vặt
Bạn không cần phải để chúng đi một mình. Bạn có thể ở gần và theo dõi. Nhiệm vụ của chúng là chọn các sản phẩm trong danh sách và cố gắng không để bị phân tâm bởi sự cám dỗ. Chúng cũng cần tính toán xem cần bao nhiêu tiền để trả cho nhân viên thu ngân.
Tất nhiên, tốt hơn hết là bạn nên bắt đầu với một việc nhỏ. Nhưng đừng sai con đi mua sắm hàng tạp hóa cả tuần trừ khi bạn muốn gia đình mình chỉ ăn tối với sô-cô-la trong 7 ngày tới.
Các trường Montessori trên khắp thế giới đều thực hành phương pháp giáo dục tài chính này. Học sinh đến cửa hàng và mua hàng cho các bạn trong lớp, chẳng hạn như trái cây cho bữa trưa hoặc nguyên liệu để nướng bánh mì trong ngày hôm đó.
3. Chơi các trò chơi gắn với kinh tế
“Monopoly” và “Cashflow” là các trò chơi tuyệt vời vì người tham gia có thể nhanh chóng tìm hiểu về các khoản đầu tư, tài sản, nợ phải trả và thuế.
Nếu bạn có con nhỏ, hãy thử chơi trò chơi “ngân hàng”, “cửa hàng” hoặc bất kỳ trò chơi nào khác minh họa cho chúng cách thế giới tài chính hoạt động.
Đứa con nhỏ của bạn có thể “làm việc” như một nhân viên thu ngân, quản lý ngân hàng hoặc người cho vay và kiếm được số tiền mà chúng có thể chi tiêu.
4. Lý thuyết về 3 con heo đất
Robert Kiyosaki, tác giả của Rich Dad Poor Dad (Cha giàu cha nghèo), và Mark Allen, tác giả của The Millionaire Course, quảng bá khái niệm này trong các cuốn sách của họ. Con bạn sẽ cần 3-4 con heo đất, mỗi con sẽ tiết kiệm tiền cho một mục đích khác nhau.
Con heo tiết kiệm: Dần dần, mọi người có thể tiết kiệm một số tiền lớn để biến ước mơ của họ thành hiện thực. Thêm vào đó, thói quen tiết kiệm tiền được coi là thói quen tốt để vay tiền trong tương lai.
Con heo chi phí: Không phải người lớn nào cũng biết cách kiên nhẫn và đối với một số trẻ em, điều đó còn khó hơn. Con heo đất này sẽ cho phép đứa trẻ hiểu việc đối xử với bản thân bằng số tiền kiếm được theo thời gian là bổ ích như thế nào.
Con heo đầu tư: Trẻ em không có nhiều cơ hội tạo ra tài sản, nhưng bạn luôn có thể yêu cầu ngân hàng địa phương cung cấp tài khoản cho phép chúng tích lũy lãi suất từ tiền tiết kiệm của mình.
Con heo từ thiện: Con heo đất này cần thiết để dạy trẻ rằng kiếm được tiền chưa phải là tất cả mà còn cần phải cho đi. Ví dụ, chúng có thể dùng tiền của mình để nuôi mèo con bị bỏ rơi hoặc giúp đỡ cho một chương trình thiện nguyện.
Đối với nhiệm vụ này, trẻ muốn chi tiêu hay tiết kiệm tiền của mình tùy thuộc vào trẻ.
Nếu phương pháp này phù hợp với bạn, bạn có thể bắt đầu bằng cách cho trẻ khoảng vài chục nghìn mỗi tuần. Bằng cách này, chúng sẽ lấp đầy dần dần các con heo đất của mình.
5. Trong mọi trường hợp, không nên nói: “Chúng ta không đủ khả năng chi trả”
Một số cha mẹ sử dụng cụm từ này như một cái cớ để tránh làm hư con mình. Họ nói đó là phương sách cuối cùng khi đứng giữa một cửa hàng và đứa con nhỏ của họ cầu xin mua một loạt đồ chơi không cần thiết.
Nhưng điều đó sẽ khiến trẻ có cảm xúc tiêu cực với tiền. Trẻ cần có vị thế chủ động hơn – tức là quyết định có mua thứ này hay thứ kia hay không với số tiền mà chúng tiết kiệm được.
6. Từ chối mua hàng trong một số trường hợp
Cha mẹ có thể tham khảo một số lời từ chối dưới đây:
"Chúng ta không ở đây để mua cái này”.
“Ba mẹ sẽ nhớ là con thích món đồ chơi này và hãy ghi nhớ điều đó khi ba mẹ đi mua quà sinh nhật cho con”.
“Hãy đồng ý rằng chúng ta sẽ chỉ mua quà mỗi tuần một lần”. Bằng cách đó, trẻ sẽ dễ dàng chấp nhận việc đợi đến ngày được mua quà. Lời từ chối này dạy trẻ tính kiên nhẫn và đặt ra các mục tiêu, bao gồm cả mục tiêu tài chính và lập kế hoạch cách tiến tới mục tiêu đó.
“Món này có giá cao hơn những gì ba mẹ định chi trả”.
“Nếu con có thể tìm thấy nó với giá tốt hơn, chúng ta sẽ lấy nó”. Đầu tiên, cách tiếp cận này sẽ giúp trẻ hiểu rằng cùng một loại hàng hoá có thể có các mức giá khác nhau. Thứ hai, nó giúp bạn tránh mua hàng một cách bốc đồng.
7. Nướng bánh mỗi tuần một lần với con
Không gì mang lại cho trẻ nhiều kỹ năng như thực hành nấu ăn trong bếp với bố hoặc mẹ. Làm điều này có thể giúp chúng phát triển những phẩm chất sau:
- Độc lập và tự tin
- Ý chí để hoàn thành các dự án, nhìn thấy kết quả sau những nỗ lực và tận hưởng nó
- Khả năng chấp nhận rủi ro và trách nhiệm đối với một điều gì đó
8. Tạo môi trường học tập độc đáo cho trẻ dựa trên sở thích cá nhân, mùi và âm thanh yêu thích của chúng
“Môi trường động lực” là một khái niệm được đặt tên vào năm 1951 bởi nhà tâm lý học Kurt Lewin. Ông đã nghiên cứu cách những đồ vật xung quanh con người ảnh hưởng đến sự phát triển và cuộc sống tương lai của họ.
Ví dụ, nhà tâm lý học Liubov Sgonnik dạy cha mẹ tìm hiểu những gì con họ thích và khuyến khích họ bao quanh đứa trẻ những điều này trong suốt quá trình chúng học. Ví dụ, trẻ có thể lấy trái cây yêu thích của chúng như một món đồ ăn nhẹ khi chúng cần giải quyết các vấn đề phức tạp khi làm bài tập toán.
9. Đôi khi cho phép mình trở thành ông bố bà mẹ lười biếng
Khi bạn không làm bữa sáng hay giám sát bài tập về nhà của con, bạn sẽ có thời gian để làm việc nhà. Nhưng hãy thư giãn. Hãy để con bạn tự làm những việc đó. Điều này sẽ mở ra cơ hội mới để chúng trở nên độc lập và chủ động.
Trẻ càng lớn càng cần thực hiện nhiều nhiệm vụ phức tạp hơn. Ví dụ, bất kỳ đứa trẻ nào trong độ tuổi từ 6 đến 7 tuổi đều có khả năng cho mèo ăn, lau giày (thậm chí là cả giày của bố mẹ nữa), giặt quần áo và đổ nước vào máy rửa bát. Điều này không có gì to tát nhưng không nhiều phụ huynh biết hoặc tin rằng điều này là đúng.
Tóm lại, hãy để chúng làm một số việc nhà vì tính độc lập là một trong những yếu tố cần thiết của thành công - đặc biệt là trong các vấn đề tài chính.
Theo Vietnamnet