“Nhu cầu gạo của toàn cầu có xu hướng tăng qua từng năm, trong khi nguồn cung từ các quốc gia trồng lúa lại giảm do lo ngại ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino. Dự báo trong năm 2024, giá gạo xuất khẩu có thể neo ở mức cao, cụ thể đối với gạo 5% tấm có thể giao dịch quanh mức 640 - 650 USD/tấn…”- Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình dự báo.
Nhiều kỳ tích
Năm 2023 khép lại, đối với nông dân tỉnh nhà, đây là năm bà con đạt hiệu quả kép “được mùa, trúng giá”. Được mùa là do trình độ canh tác của nông dân ngày càng nâng lên, hạ tầng phục vụ sản xuất ngày càng được hoàn thiện; chất lượng hạt gạo được người tiêu dùng thế giới chấp nhận, được bình chọn danh hiệu “gạo ngon nhất thế giới”. Đạt được kết quả trên có một yếu tố không kém phần quan trọng là thời tiết ít biến đổi, lúa đông xuân không có hiện tượng sương muối nên đạt năng suất và chất lượng cao.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm phân tích: “Năm 2023, bên cạnh yếu tố được mùa, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo cả nước nói chung, An Giang nói riêng đã không bỏ lỡ cơ hội khi các quốc gia, như: Ấn Độ, UAE (Các Tiểu vương quốc Ả - Rập Thống nhất) và Nga đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo (trong các ngày từ 20 - 30/7/2023), động thái này đã làm nguồn cung gạo thế giới giảm mạnh, đẩy giá xuất khẩu tăng cao, giá gạo Việt lập đỉnh mới…”.
Theo đó, cả nước đã xuất 7,8 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 4,5 tỷ USD. Đây là mức cao nhất trong 34 năm qua, khi Việt Nam tham gia xuất khẩu gạo ra thế giới. Trong năm này, 38 DN của tỉnh (gồm 18 DN trong tỉnh, 20 DN ngoài tỉnh) đã xuất trên 500.000 tấn gạo, trị giá 340 triệu USD, so cùng kỳ năm 2022, sản lượng và kim ngạch tăng mạnh.
Hiện, gạo Việt đã xuất đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, 3 thị trường chính là: Philippines, Trung Quốc, Indonesia với thị phần lần lượt là 40,3%, 14% và 12,1%. Ngoài ra, gạo của DN An Giang còn xuất sang Hoa Kỳ, Brazil và nhiều quốc gia khác (có nhu cầu cao về chất lượng).
Kỳ tích trong xuất khẩu gạo năm 2023, ngoài kim ngạch còn phải kể đến sản lượng và thị trường, trong đó đáng chú ý là thị trường Liên minh Châu Âu (EU), tuy sản lượng xuất vào thị trường này không nhiều nhưng đây là thị trường của phân khúc gạo cấp cao. Các nước nhập khẩu đòi hỏi DN phải đáp ứng trên 100 chỉ tiêu (một cách nghiêm ngặt). Điểm nổi bật trong xuất khẩu của tỉnh trong năm 2023 là Công ty Cổ phẩn Tập đoàn Lộc Trời đã nhận được đơn đặt hàng xuất khẩu vào thị trường này đến 400.000 tấn.
Giá gạo nội địa tăng, tiểu thương phấn khởi
Ngoài việc củng cố thị trường truyền thống, khai thác thị trường mới nổi, năm 2023 cũng là năm hạt gạo Việt Nam lập kỷ lục mới, cụ thể gạo 5% tấm, thời điểm trung tuần tháng 12/2023, giá được giao dịch quanh mức 663 USD/tấn (vượt xa so với 625 USD/tấn gạo cùng loại của Thái Lan và 598 USD/tấn của Pakistan). Đối với gạo 25% tấm, giá giao dịch là 581 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay.
“Năm nay, nông dân rất phấn khởi bởi chưa bao giờ giá lúa trên đồng cao như vậy. Hiện, giống Nàng Hoa 9 đang giao dịch từ 9.500 - 9.600 đồng/kg; IR504 từ 8.900 - 9.100 đồng/kg; OM 18 từ 9.500 - 9.600 đồng/kg; OM 5451 từ 9.400 - 9.500 đồng/kg. Còn mặt hàng nếp khô từ 9.400 - 9.800 đồng/kg. Giá lúa ở mức cao đã giúp đời sống, thu nhập của nông dân nâng lên đáng kể. Lâu lắm rồi, người trồng lúa mới được niềm vui thế này, điều này thật có ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với tình trạng suy thoái toàn cầu…” - bà Trần Lệ Xuân (xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú) phấn khởi.
Hướng đi bền vững
Ngành hàng lúa gạo tỉnh nhà chuyển mình mạnh mẽ, nhất là trong sản xuất và xuất khẩu. Cụ thể, trong thời gian dài, gạo Việt bị gắn với hình ảnh chất lượng thấp, bán giá rẻ cho các nước kém phát triển thì nay, bằng việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chất lượng hạt gạo Việt Nam đã được nâng lên, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các quốc gia phát triển, như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU... Chẳng những vậy, Việt Nam đã có những loại gạo ngon không thua kém các đối thủ cạnh tranh và được bình chọn (lần thứ 2) danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” cho giống lúa ST 25.
“Gạo Việt được vinh danh gạo ngon nhất thế giới, thêm một lần nữa cho thấy, chất lượng và uy tín gạo Việt đã được công nhận. Nông dân Việt Nam xứng đáng được tôn vinh trên toàn thế giới…” - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phú A1 (xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu) Trịnh Văn Dứt phấn khởi.
Hướng đến sự phát triển bền vững, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng, thời gian qua, bên cạnh việc đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp thông qua việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, ngành nông nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, cơ giới hóa và áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn thị trường quốc tế…
Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh đăng ký tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây là bước chuyển mình mạnh mẽ trong sản xuất.
Ký kết thỏa thuận liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng
Theo đó, diện tích An Giang đăng ký thực hiện là 150.000ha. Việc này, một mặt giúp tăng hiệu quả kinh tế và sinh kế cho người trồng lúa, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, đồng thời cải thiện môi trường, sức khỏe của người dân; mặt khác, đề án còn góp phần phát triển được chuỗi liên kết lúa gạo một cách bền vững thông qua việc phát huy vai trò của các tổ hợp tác, hợp tác xã, tiến đến giảm thiểu khí CO2 trong sản xuất lúa gạo mà Chính phủ đã cam kết với các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu.
“Hiện nay, diện tích sản xuất các giống lúa chất lượng cao (hàng vụ) của tỉnh chiếm hơn 80% diện tích xuống giống và chất lượng gạo luôn được nông dân, DN đặt lên hàng đầu. Ngoài việc chú trọng, tập trung cho việc nâng cao phẩm cấp gạo, ngành nông nghiệp còn đẩy mạnh sản xuất lúa theo nhu cầu của thị trường và hướng đến sản xuất xanh, bền vững…” - ông Nguyễn Sĩ Lâm chia sẻ.
Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Minh Hùng phân tích, điều dễ nhận thấy trong chuyển biến của ngành lúa gạo tỉnh nhà, đó là sự chuyển biến về mặt nhận thức, tư duy trong sản xuất của DN lẫn nông dân, của cả hệ thống chính trị, từ đó hướng đến việc thực hiện mục tiêu chung là xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, hiện đại, năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Để làm được điều này, thời gian qua, cùng với các cấp, ngành, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách thúc đẩy, trong đó có Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030…
Nhìn lại 34 năm các DN Việt Nam tham gia xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới, chúng ta càng tự hào hơn bởi ngành hàng này có nhiều chuyển biến tích cực. Từ “chạy” theo năng suất, sản lượng, nay người trồng lúa đã mạnh dạn tập trung cho chất lượng và xây dựng thương hiệu. Từ bán hàng ở phân khúc cấp thấp chuyển sang bán hàng đa phân khúc, trong đó có phân khúc cấp cao.
Từ sản xuất nhỏ lẻ, không gắn kết chuyển sang hình thức quy mô lớn có liên kết, liên doanh, sản xuất theo chuỗi ngành hàng, chuỗi giá trị và còn rất nhiều chuyển biến khác, trong đó phải kể đến sự hỗ trợ của Chính phủ về cơ chế, chính sách với hàng loạt chính sách đã được ban hành. Những chính sách này đã hỗ trợ tích cực cho ngành hàng lúa gạo phát triển, đưa Việt Nam từ một quốc gia thiếu lương thực trở cường quốc xuất khẩu gạo đứng trong “tốp đầu” thế giới.
Ngành hàng lúa gạo chuyển mình mạnh mẽ đã giúp đời sống người trồng lúa không ngừng nâng cao, DN xuất khẩu ngày càng lớn mạnh, ngoài giữ được thị trường truyền thống còn phát triển thêm thị trường mới với đa phân khúc khách hàng. Đây là tín hiệu vui của mùa xuân năm nay. Hy vọng bước sang năm 2024, gạo Việt tiếp tục chinh phục thị trường thế giới và cùng với ngành thủy sản, rau quả đông lạnh, gạo Việt tiếp tục xuất khẩu mạnh, qua đó góp phần nâng cao đời sống nông dân, hướng đến thực hiện mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. |
MINH HIỂN