Lướt qua trầm mặc

08/05/2023 - 06:52

 - Tôi gọi hành trình ngắn ngủi ở Siem Reap (Vương quốc Campuchia) của mình như thế. Cái nắng chát chúa hành hạ con người kể cả khi đã lui vào bóng râm, giục du khách nhanh chân hoàn tất các điểm tham quan trong lịch trình. Vội vã như thế, chúng tôi chỉ kịp nhìn lướt ngang nụ cười bí hiểm, trầm mặc của kỳ quan Angkor!

Rời khỏi TP. Long Xuyên khi trời chưa sáng tỏ mặt người, vượt hơn 520km, chúng tôi đến với TP. Siem Reap vừa lúc hoàng hôn đỏ lựng chân trời. Thành phố du lịch ấy khá sầm uất, nhưng người ta đến với Siem Reap hôm nay chỉ để “du hành về quá khứ”, tìm lại bóng dáng người xưa trong tàn tích một thời. Từng là kinh đô Angkor của đế chế Angkorian, nơi đây vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn hàng loạt công trình kiến trúc lịch sử đồ sộ, choáng ngợp.

Vẻ đẹp cổ kính của quần thể Angkor

Thuở đỉnh cao vàng son, quần thể Angkor Wat – thành phố của những ngôi đền – có lẽ cũng chẳng sầm uất. Ngược lại, toàn bộ không gian rộng 200ha nằm ẩn sâu trong rừng nhiệt đới, ôm trọn quần thể đền đài, di tích tôn giáo đáng chiêm ngưỡng, thán phục.

Gần 1.000 năm trước, Angkor Wat được xây dựng như thế nào, mãi là điều bí ẩn chưa thể giải mã. Mọi ngọn tháp, đền đài, phù điêu và hành lang mênh mông đều làm từ đá tảng, xếp chồng lên nhau rất tự nhiên, không cần chất kết dính nào. Hàng trăm năm sau, thời gian làm hao mòn góc cạnh, các phiến đá buông nhau ra, thành đống đổ nát rong rêu.

Muốn tham quan quần thể này, du khách có thể chọn lựa giữa 3 loại vé. Vé 1 ngày giá 20 USD, vé 3 ngày giá 40 USD và vé tuần giá 60 USD. Dẫu biết rằng, không thể khám phá Angkor Wat trong 1 ngày, chúng tôi vẫn chọn vé “cưỡi ngựa xem hoa” như hầu hết du khách khác.

Trong vài chục phút ngắn ngủi, đoàn người nối đuôi nhau đi dọc chiều dài lịch sử của các ngôi đền. Những bức phù điêu dài hàng trăm mét, lặng lẽ kể truyền thuyết Hindu giáo, như: Ramayana, Mahabharata, trận chiến giữa các thần Thiện và Ác, tích “Khuấy động biển sữa”, “Chiến công tiêu diệt lũ quỷ của Vishnu”… và các sự kiện chính trong cuộc đời của Surayavarman II. Dĩ nhiên, để hiểu được những truyền thuyết này, du khách cần được tiếp cận sâu với nền văn hóa bản địa, để thấm thía được điều người xưa khắc ghi vĩnh viễn vào đá.

Đến với đền Bayon, chúng tôi lạc vào những nụ cười. Trên 200 khuôn mặt (tạc trên 54 ngọn tháp) nhìn xuống và nhìn đi 4 hướng, như thể quan sát chúng sinh và che chở cho đất nước, đem lại vẻ huyền ảo xen lẫn bình tâm. Các khuôn mặt có cặp môi dày, đầy đặn nhưng không thô, khóe môi hơi nhếch cong, cặp mắt dịu dàng khép nhẹ trong tĩnh lặng khiến bạn như bị thôi miên.

Vẻ mặt ấy, cuốn hút du khách một cách lạ lùng, được gọi là “Nụ cười Angkor”. Ý nghĩa của nụ cười ấy cho đến nay vẫn là điều bí ẩn, dù hầu hết học giả đều đồng ý rằng, chúng thể hiện một tư thế thiền định của Phật giáo; khuôn mặt ấy chính là hình ảnh của đức vua Jayavarman VII của Angkor Thom.

Bên cạnh giá trị về kiến trúc và hình tượng “Nụ cười Angkor”, giá trị nghệ thuật của Bayon còn nằm ở mảng phù điêu mặt ngoài và mặt trong đền. Lần này, chúng kể về những thần thoại xen lẫn cảnh sinh hoạt đời thường (chợ búa, đánh bắt cá, lễ hội, đá gà, múa rối), cùng trận chiến và diễn biến lịch sử quan trọng xưa kia. Nếu có dịp dừng chân lâu một chút, du khách sẽ nhìn thấy hình ảnh của gia đình nấu nướng bữa tối; những người đàn ông uống rượu cùng nhau, trong khi nữ giới chuẩn bị đi làm việc đồng áng.

Trong khi đó, Ta Prohm là một trong những ngôi đền được chụp ảnh nhiều nhất, nổi tiếng nhất vì được lấy làm bối cảnh trong “Lara Croft: Tomb Raider” – phim bom tấn Hollywood. Không giống như phần lớn đền tại Angkor, Ta Prohm đã bị bỏ quên, chìm trong đống cây cối um tùm mọc xung quanh phế tích. Đồng thời, các khu rừng nhiệt đới bao quanh khiến ngôi đền trở nên kỳ quái, hoang tàn và mang sắc thái trầm mặc khó quên.

Thế nhưng, nếu chú ý quan sát, sự sống cứ sinh sôi, trong những rễ cây mọc phủ đền đài, xuyên qua khe hở của đá. Sự sống ẩn hiện trong chi chít tổ ong khổng lồ trên cao, ngoài tầm mắt của người trần mắt thịt. Sự sống còn toát lên từ tiếng ồn ã của lượt khách này đến lượt khách khác, chưa bao giờ ngớt.

Xung quanh tôi, đoàn người vội vã chụp ảnh “check-in”, người này lấn vào khung hình của người khác. Họ mê mải ghi lại kỷ niệm địa điểm mình vừa đến, nào kịp cảm nhận trọn vẹn nét đẹp “thi gan cùng tuế nguyệt”, nào chú ý hiểu sâu về văn hóa thấm đẫm trong từng hoa văn phai mòn. Hướng dẫn viên mệt nhoài với nắng nóng, với việc “lùa” khách ra xe cho kịp giờ, nên đôi lúc lơ đễnh thuyết minh, câu chuyện kể nửa vời, hời hợt…

Chuyến đi kết thúc chóng vánh, y hệt như lúc chúng tôi ghé thăm. Trở lại Siem Reap sau 10 năm, tôi đã khác xưa: Trầm tĩnh hơn, trưởng thành hơn, quan sát cảnh vật và cuộc sống bằng gam màu trung tính hơn. Nhưng Siem Reap gần như chẳng thay đổi gì, bởi 10 năm ấy đâu thấm tháp gì so với ngàn năm sương gió. Siem Reap và tôi gặp lại nhau như đôi bạn cũ chưa kịp thân, chỉ tâm tình thoảng qua bằng cái chạm nhẹ vào hồi ức…

Quần thể Angkor chịu sự ảnh hưởng của nghệ thuật Khmer cổ với lối kiến trúc đặc sắc, nổi bật. Ngôi đền Angkor Wat mô phỏng theo hình ngọn núi Meru vĩ đại của Ấn Độ, ngọn tháp trung tâm cao nhất tới 65m tượng trưng cho núi Meru; 5 ngọn tháp xung quanh tương ứng với 5 đỉnh núi. Toàn công trình được xây bằng đá sa thạch và đá tổ ong. Angkor Wat được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, là địa điểm nhất định phải ghé thăm khi đặt chân đến Siem Reap.


VẠN LỘC

 

Liên kết hữu ích