Lưu ý xuống giống vụ thu đông 2022

15/07/2022 - 07:28

 - Vụ thu đông 2022, tỉnh An Giang có kế hoạch xuống giống khoảng 164.000ha lúa, năng suất dự kiến 6,2 tấn/ha; 14.183ha màu. Trong điều kiện thời tiết thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương tập trung giải pháp bảo vệ an toàn sản xuất vụ thu đông năm nay.

Xuống giống theo tín hiệu thị trường

Căn cứ vào khung lịch thời vụ của Cục Trồng trọt cho khu vực ĐBSCL và tình hình khí tượng, thủy văn; thời gian xuống giống theo từng tiểu vùng của vụ trước; diễn biến rầy nâu trên đồng ruộng, rầy nâu vào bẫy đèn trong và ngoài tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang khuyến cáo khung lịch thời vụ xuống giống vụ thu đông 2022 trong toàn tỉnh bắt đầu từ ngày 15/7 đến 31/8/2022 (nhằm ngày 17/6 đến 5/8 âm lịch).

Lịch thời vụ xuống giống gồm 3 trà lúa: Trà lúa sớm diện tích xuống giống khoảng 9.000ha, tập trung tại huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và TP. Long Xuyên; trà lúa đại trà diện tích xuống giống khoảng 134.000ha, tập trung tại 11 huyện, thị xã, thành phố; trà lúa muộn diện tích xuống giống khoảng 7.000ha, tại các vùng sản xuất lúa 3 vụ, như: Huyện Chợ Mới, An Phú và TX. Tân Châu.

Đối với lịch xuống giống đồng loạt, tập trung và né rầy, được chia làm 2 đợt. Đợt 1, xuống giống tập trung từ ngày 19 đến 31/7, xuống giống tập trung ở những vùng thu hoạch hè thu sớm và đại trà với khoảng 50.000ha, tập trung tại các huyện: Tri Tôn, An Phú, Tịnh Biên, Chợ Mới, Thoại Sơn và TP. Long Xuyên. Đợt 2, xuống giống tập trung từ ngày 16 đến 26/8, xuống giống dứt điểm 60.000ha ở những vùng thu hoạch hè thu đại trà và muộn, gồm các huyện: An Phú, Châu Phú, Phú Tân, Châu Thành, Chợ Mới, Thoại Sơn, TX. Tân Châu và TP. Châu Đốc.

“Tùy theo tình hình rầy nâu vào bẫy đèn ở từng địa phương mà có lịch xuống giống cụ thể, nhưng phải tuân thủ lịch xuống giống đồng loạt, tập trung, né rầy và theo khung lịch thời vụ chung của tỉnh. Lưu ý, trên cùng một tiểu vùng không để nhiều trà lúa đan xen nhau” - Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm lưu ý.

Căn cứ vào số liệu theo dõi về tình hình giá lúa của Sở NN&PTNT, các giống lúa OM9582, Đài Thơm 8, OM5451, OM7347, OM6976, OM18, Jasmine 85, OM9577, OM4900… thời gian qua được doanh nghiệp thu mua giá cao và theo chiều hướng tăng. Do đó, Sở NN&PTNT đề nghị các huyện, thị xã, thành phố có biện pháp chỉ đạo và khuyến cáo nông dân sản xuất các giống này trong vụ thu đông 2022.

Giải pháp sản xuất an toàn

Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch xuống giống lúa, nếp vụ thu đông 2022 phù hợp với khung lịch thời vụ chung của tỉnh; tập trung khuyến cáo nông dân vệ sinh đồng ruộng trước khi xuống giống; vận động nông dân xuống giống tập trung, đồng loạt trên cơ sở số liệu từ hệ thống bẫy đèn để đảm bảo xuống giống né rầy và né hạn đầu vụ. Đồng thời, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình nguồn nước, mùa vụ sản xuất và thị trường.

Về biện pháp canh tác, cần tập huấn, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, như: Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” (chú ý lượng giống gieo sạ từ 80-100kg/ha), tiêu chuẩn SRP, GlobalGAP, đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng lúa...

Trong đó, chú trọng áp dụng tốt giải pháp tưới nước tiết kiệm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh thái - trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn 40 ngày đầu sau sạ; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”. Nông dân cần tăng cường các biện pháp giúp cây lúa khỏe, cứng cây, tăng tính chống chịu tự nhiên, như: Bổ sung vi lượng, phân bón có chứa can-xi, silic…

Sở NN&PTNT An Giang đề nghị các địa phương kiên quyết chỉ đạo xuống giống theo khung thời vụ quy định và theo thông báo xuống giống né rầy; thời gian xuống giống trên cùng 1 tiểu vùng không quá 7 ngày và không để nhiều trà lúa đan xen nhau; thời gian xuống giống không kéo dài quá 2 tháng mỗi vụ để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, muỗi hành (sâu năn) và các loài dịch hại khác gây ra.

Ngành nông nghiệp phối hợp các cơ quan thông tin truyền thông của địa phương kịp thời thông báo về tình hình diễn biến dịch hại, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh và của địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch hại, biện pháp đối phó hạn, mặn để người dân biết và chủ động tích cực thực hiện. Đồng thời, thường xuyên tăng cường kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm, hướng dẫn nông dân xử lý các đối tượng dịch hại và có biện pháp ứng phó kịp thời, bảo vệ năng suất lúa tốt hơn.

Đối với rau màu, cần tăng cường ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật về giống, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật canh tác... để tạo ra các sản phẩm rau, màu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất các loại rau an toàn theo quy trình và tiêu chuẩn gắn với yêu cầu của doanh nghiệp.

Các địa phương quan tâm, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất rau an toàn tại địa phương nhằm nâng cao chất lượng của sản phẩm rau màu và liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị… để tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, quản lý tốt nguồn giống sạch bệnh cho sản xuất và theo dõi phòng, chống hiệu quả bọ phấn trắng gây bệnh virus khảm lá khoai mì; quản lý tốt sâu keo mùa thu gây hại trên cây bắp...

NGÔ CHUẨN