Lý do khiến 222.500 thí sinh thi chỉ xét tốt nghiệp "né" xét tuyển đại học

26/05/2021 - 08:39

Trong hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2021, có hơn 222.500 thí sinh dự thi với mục đích chỉ xét tốt nghiệp, không tham gia xét tuyển đại học, lý do vì sao nảy sinh hiện tượng này?

Trong tổng số hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2021, có tới hơn 222.500 thí sinh dự thi với mục đích chỉ xét tốt nghiệp (chiếm 21,79%).

Xu hướng tất yếu

Những năm gần đây, thay vì "đổ xô" vào các trường đại học, cao đẳng, nhiều học sinh đã chọn cho mình một lối rẽ, hướng đi mới.

Được gia đình định hướng cho sang Hàn Quốc du học, em Nguyễn Đức Long (học sinh lớp 12 trường THPT Tam Đảo, Vĩnh Phúc) chia sẻ, mục đích khi tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT của em chỉ là để… xét tốt nghiệp. "Ngay sau khi thi tốt nghiệp THPT, em dự định sẽ đi học tiếng Hàn ở trung tâm khoảng một năm. Khi vốn ngoại ngữ thật tốt, em sẽ hoàn thiện hồ sơ để sang Hàn Quốc học tập".

Cũng là học sinh đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 chỉ để xét tốt nghiệp, Nguyễn Quốc Chiến - học sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Công Trứ (Nam Định) cho biết, trước khi làm hồ sơ, em đã tham khảo ý kiến từ người thân, gia đình và bạn bè.

Nhận thấy lực học mình không đủ tốt, do đó, thay vì "bon chen" trên đường đua đại học đầy khốc liệt, Chiến đã chọn cho mình một hướng đi mới mà theo em, sẽ an toàn hơn. "Sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, em dự định sẽ đi học nghề. Em muốn nhanh chóng có kinh nghiệm về một nghề nào đó để có thể đi làm luôn" - Chiến bày tỏ.

Chia sẻ về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Hương Giang (giáo viên trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hải Phòng) cho hay: "Theo tôi, tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp tăng được coi là một hiện tượng tự nhiên, thậm chí có thể gọi là xu thế trong những năm gần đây. Thay vì tâm lý phải vào đại học bằng mọi giá, nhiều người đã đánh giá những yếu tố chủ quan, khách quan tác động để tìm cho mình một hướng đi mới, phù hợp với năng lực bản thân và điều kiện của gia đình như: học nghề, du học hay đi làm…"

Cũng theo cô Hương Giang, việc số lượng thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp tăng còn giúp các trường đại học thuận lợi hơn trong việc xét tuyển, hạn chế thí sinh ảo, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng nhìn nhận điều này như một dấu hiệu tích cực. "Tôi cho rằng, việc học sinh lựa chọn phương án dự thi tốt nghiệp THPT chỉ để xét tốt nghiệp thể hiện sự chuyển biến tiến bộ khi các em tự đánh giá được năng lực và điều kiện của bản thân, tự lựa chọn được hướng đi riêng của mình chứ không đua nhau vào đại học. Đây là một điểm tốt, chúng ta phải mừng".

Đại học không còn là cánh cửa duy nhất

Lý giải cho việc gia tăng tỷ lệ thí sinh lựa chọn thi tốt nghiệp THPT chỉ với mục đích xét tốt nghiệp, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - Trưởng ban hỗ trợ chất lượng đại học, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: "Có rất nhiều lý do để dẫn tới hiện tượng này. Song, điều quan trọng nhất có lẽ đến từ phía học sinh. Nhiều em học sinh lớp 12 xác định được mục đích, năng lực thực sự của bản thân mình nên đã chọn hướng đi khác thay vì học đại học, cao đẳng".

Thí sinh trường nghề trổ tài pha chế.

Trực tiếp giảng dạy học sinh khối 12, cô Nguyễn Thị Hương Giang chia sẻ, những năm gần đây, không chỉ các em học sinh, mà tâm lý của nhiều phụ huynh cũng có sự chuyển biến tích cực. Nhận thấy xung quanh có nhiều cử nhân ra trường với tấm bằng khá, giỏi song vẫn không xin được công việc như ý, một số bậc phụ huynh đã định hướng cho con em của mình lối đi riêng như học nghề hay du học, thay vì "cố thủ" suy nghĩ: đại học là con đường duy nhất để dẫn tới thành công.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Tùng Lâm khẳng định: "Tất nhiên chúng ta khuyến khích học lên, nhưng quá trình học lên đó có nhiều con đường chứ không phải cứ học xong trung học là vào đại học, cao đẳng".

Cũng theo Tiến sĩ, mỗi học sinh có một hoàn cảnh riêng, vì vậy, việc học cũng nên lựa chọn theo điều kiện và năng lực của mình; không a dua, bắt chước hay "cố đấm ăn xôi" để vào nơi không phù hợp.

Học phí đại học tăng cao tác động nhiều đến thí sinh

Đưa ra  một góc nhìn khác, giáo viên Hương Giang phân tích: "Đứng trước xu hướng tăng học phí khi thực hiện tự chủ đại học, nhiều học sinh đã lựa chọn không học đại học, cao đẳng do gia đình không đủ tiềm lực kinh tế. Thay vào đó, các em chọn cách đi làm luôn để kiếm thêm thu nhập".

Học phí đại học tăng cao cũng là một trong những lý do khiến nhiều người phải suy nghĩ lại về việc học. Trên thực tế, còn rất nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nuôi một lúc 2-3 người ăn học. Do đó, mỗi năm phải đóng khoảng vài chục triệu cho việc học đại học, cao đẳng là một điều quá sức với họ. Bởi vậy, nhiều gia đình đã định hướng cho con em chọn các trường có mức học phí thấp nhưng nhanh chóng có việc làm.

Có cậu con trai đang học lớp 12, tuy nhiên, anh Đoàn Như Dương không dám "mơ mộng" chuyện con trai sẽ học đại học bởi anh hiểu rõ điều kiện kinh tế của gia đình.

Chia sẻ về vấn đề này, anh Dương trải lòng, sau khi con trai hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, anh sẽ định hướng cho con theo học nghề sửa chữa ô tô. "Cháu có niềm đam mê với máy móc. Tôi hi vọng, việc học nghề sẽ giúp cháu phát huy được năng lực của mình, đồng thời sớm tìm được việc làm để có thể kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình".

Nhiều thí sinh lựa chọn học nghề để ra trường dễ xin việc. 

Xét tuyển bằng "con đường" học bạ

Theo cô giáo Nguyễn Thị Hương Giang, việc nhiều trường đại học mở rộng thêm phương thức xét tuyển cũng là nguyên nhân khiến số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT chỉ để xét tốt nghiệp gia tăng.

Thực tế cho thấy nhiều thí sinh không sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển không có nghĩa rằng các em không muốn học đại học. Thay vào đó, các thí sinh có thể sử dụng phương thức khác như: xét học bạ, tuyển thẳng hay thi năng lực.

Đặc biệt, những năm gần đây, nhiều trường đại học đã nới rộng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT. Thậm chí, nhiều trường còn dành hẳn 30% tổng chỉ tiêu để xét theo hình thức này.

Cô Giang cho biết: "Do nhiều em học sinh hiện nay chỉ cần đậu tốt nghiệp còn đại học thì đã sử dụng phương thức xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực nên áp lực chọn đại học sau thi không cao như các năm trước".

Nói về phương thức xét tuyển này, TS Tùng Lâm chia sẻ: "Đối với các trường đại học thì điểm đầu vào ko quan trọng bằng quá trình học, đầu ra là cái quan trọng. Các trường đại học phải hết sức có trách nhiệm với sinh viên của mình, cải tiến chương trình đào tạo, thực hành".

"Bên cạnh việc đào tạo chuyên môn phải hết sức chú ý rèn luyện phẩm chất đạo đức cho sinh viên, gắn họ với trách nhiệm xã hội, vận mệnh của đất nước. Tạo điều kiện cho sinh viên được phát triển theo hướng, theo sở thích, sở trường của mình. Việc sinh viên chuyển từ trường đại học này sang trường đại học kia, ngành nọ sang ngành kia cũng nên tạo điều kiện hết sức thuận lợi. Trong quá trình học sinh viên mới nhận ra năng lực của mình ở đâu thì phải được quyền thay đổi, các trường đừng làm khó học sinh", T.S Tùng Lâm nhấn mạnh.

Theo KIỀU PHƯƠNG - PHƯƠNG THẢO (Dân Trí)