Xe đạp điện có hai loại: Chạy pin và ắc-quy. Xe chạy bằng pin có thiết kế khép kín, nên khi trời mưa sẽ ít bị tác động hơn. Còn xe chạy ắc-quy rất dễ “đổ bệnh”, hỏng khi gặp trời mưa và đường ngập nước, kể cả khi đường ngập nhẹ do hiện tượng ẩm, hấp hơi nước dễ xảy ra, làm giảm tuổi thọ của ắc-quy nhanh chóng.
Trong những ngày mưa phùn, đường phố trơn trượt gây trở ngại cho việc lưu thông của nhiều loại phương tiện, trong đó có xe đạp điện. Đặc biệt là phụ nữ, người cao tuổi hay học sinh trong những ngày này điều khiển phương tiện khá khó khăn do tay lái yếu. Để lưu thông an toàn trong điều kiện thời tiết mưa, người sử dụng xe điện cần chuẩn bị kỹ càng để có thể vận hành xe hiệu quả và an toàn.
Đi xe đạp điện trong trời mưa cần lưu ý nhiều điểm để an toàn và kéo dài tuổi thọ cho xe. (Ảnh minh họa)
Trước khi di chuyển, cần kiểm tra xe đã được sạc đầy hay chưa để tránh tình trạng xe hết pin giữa đường.
Trời mưa, đường trơn trượt nên đặc biệt lưu ý độ hao mòn của lốp xe. Lốp xe càng mòn, độ bám đường càng giảm. Nếu không thể thay thế ngay, hoặc lốp chỉ mới mòn, bạn cần di chuyển chậm, tránh phanh gấp hay di chuyển vào đường nhiều vật cản, vũng nước.
Đi xe đạp điện dưới trời mưa, người dùng tuyệt đối không sử dụng ô, nên dùng áo mưa gọn gàng, tránh cản trở tầm nhìn, lòe xòe, vướng víu và không để áo mưa che khuất đèn báo trên xe.
Đi dưới trời mưa, nhiều người thường có thói quen xấu co chân lên để tránh bị ướt hoặc nước bắn, nhưng tư thế này thăng bằng kém, nếu gặp tình huống bất ngờ rất dễ ngã, gây tai nạn. Do vậy, người lái càng cần tập trung cao độ khi lái xe giữa trời mưa, quan sát kỹ lưỡng và tư thế lái phù hợp, linh hoạt.
Trời mưa làm tầm nhìn giảm nên khi rẽ chuyển hướng, chuyển làn cần kết hợp giữa đèn báo, còi và vẫy tay xin đường.
Sau khi đi ngoài trời mưa về, bạn nên lau sạch nước mưa các bộ phận xe, đặc biệt là trên pin và ắc quy tránh để đọng nước mưa lâu ngày dẫn đến gỉ sét và bong tróc sơn. Hoặc bạn có thể rửa nếu xe bám nhiều bùn đất vì axit trong nước mưa, bùn bẩn làm xe mất thẩm mỹ, giảm tuổi thọ. Sau đó cất gọn xe đạp điện vào chỗ khô ráo, đợi xe khô ráo hẳn mới sạc hoặc đi tiếp nhằm tránh chập điện nguy hiểm.
Theo NGỌC LÂM (VTC News)