Du lịch cộng đồng gắn với cây chè
Là xã nông nghiệp miền núi của TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Tân Cương được chọn phát triển theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn từ những năm 2000 với cây chè là cây hàng hóa chủ lực truyền thống mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Với gần 400 ha chè đang kinh doanh cho sản lượng đạt bình quân 1.000 tấn chè búp khô mỗi năm, người dân Tân Cương hiện nay tập trung sản xuất, chế biến các sản phẩm liên quan cây chè, các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong việc duy trì, phát triển cây chè nhằm tăng diện tích, nâng cao năng suất, uy tín chất lượng sản phẩm chè Tân Cương, từ đó làm tăng giá trị của sản phẩm chè, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Đi trên những con đường trải nhựa thênh thang, chúng tôi đến xóm Hồng Thái 2. Hai bên đường, những đồi chè xanh ngát trù phú với những người lao động đang hăng say thu hái chè, phần nào cho thấy cuộc sống sung túc, ấm no nơi đây. Là xóm trọng điểm về sản xuất, kinh doanh chè của xã Tân Cương, với diện tích trồng chè lớn nhất xã, xóm Hồng Thái 2 được công nhận là làng nghề chè truyền thống cấp tỉnh đầu tiên của xã Tân Cương, được công nhận xóm nông thôn mới kiểu mẫu năm 2018. Giữ vững danh hiệu “Xóm văn hóa” nhiều năm, với truyền thống trồng, chế biến, sản xuất, kinh doanh chè hàng trăm năm nay, hiện nay, Hồng Thái 2 lại đi đầu trong mô hình trải nghiệm sản xuất, chế biến chè kết hợp loại hình dịch vụ du lịch cộng đồng và lưu trú. Một số hộ gia đình mạnh dạn chuyển hướng sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây chè kết hợp làm du lịch cộng đồng, vừa giới thiệu sản phẩm từ cây chè, vừa quảng bá văn hóa, tiềm năng du lịch địa phương.
Nghề trồng và sản xuất chè mang lại thu nhập cao cho các hộ gia đình xã Tân Cương.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Lê Quang Nghìn, một trong những hộ gia đình trong xóm Hồng Thái 2 vừa trồng và sản xuất chè vừa đón khách tham quan, trải nghiệm. Gia đình ông Nghìn hiện đang trồng và chăm bón hơn 8.000 m2 chè theo quy trình VietGAP. Ngoài trồng và chế biến chè, gia đình ông Nghìn còn nỗ lực bảo tồn giống chè trung du, đặc sản của Tân Cương. Bên cạnh đó, gia đình ông mở rộng phát triển du lịch cộng đồng, đón khách du lịch tham quan, trải nghiệm vườn chè, ăn uống và sử dụng dịch vụ lưu trú. Tính tổng thu nhập, mỗi năm gia đình thu về hàng tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho sáu lao động, thu nhập mỗi người bình quân 5 triệu đồng/tháng. Hài lòng với thành quả đạt được, ông Nghìn cho biết: “Mong muốn của gia đình là vừa bảo tồn giống chè bản địa, vừa quảng bá điểm đến hấp dẫn khách du lịch và kết nối với doanh nghiệp mở rộng thêm các hoạt động vui chơi giải trí để nhiều khách du lịch đến trải nghiệm”. Một thí dụ khác là gia đình ông Bùi Trọng Đại với Hợp tác xã trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên, có dịch vụ trải nghiệm hái chè và cơ sở lưu trú. Tại đây có những không gian trưng bày sản phẩm chè, không gian thưởng chè, hệ thống sao chè, vò chè để du khách trải nghiệm quy trình sản xuất và chế biến… Cây chè đã mang lại thu nhập cao cho các hộ gia đình. Diện mạo của thôn, xóm được cải thiện.
Nhanh chóng nắm bắt xu hướng du lịch cộng đồng, Hợp tác xã chè Hảo Đạt của xóm Nam Đồng cũng mạnh dạn tận dụng những lợi thế sẵn có từ cây chè, mở rộng dịch vụ du lịch cộng đồng để gia tăng giá trị cây chè. Hệ thống nhà xưởng hơn 2.000 m2 với dàn máy sao chè, vò chè hiện đại, dây chuyền sản xuất chè tự động hóa không chỉ góp phần nâng cao năng suất, bảo đảm chất lượng sản phẩm, mà trở thành một công đoạn trong trải nghiệm làm chè của du khách. Khách du lịch không những thăm các xưởng chè mà còn được tìm hiểu nét văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương với trang phục dân tộc, đeo gùi, đội nón hái chè, tham gia vào các khâu sản xuất và chế biến chè… Điểm thu hút du khách chính là không gian văn hóa trà được Hợp tác xã chè Hảo Đạt đưa vào khai thác từ năm 2019, khu nhà gỗ năm gian trưng bày các sản phẩm chè và dành cho du khách thưởng trà, trải nghiệm văn hóa trà cũng như tìm hiểu về lịch sử đất chè Tân Cương.
Có thể thấy, Tân Cương với gần 1.500 hộ dân có khá nhiều điều kiện thuận lợi để nhanh chóng hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Cây chè đã mang lại thu nhập hàng tỷ đồng/năm cho các hộ gia đình trong xã. Kinh tế phát triển, đời sống tinh thần ngày càng được nâng cao, nhân dân xã Tân Cương có điều kiện đóng góp, ủng hộ các chủ trương xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn. Việc thi đua làm đường, làm nhà văn hóa đã trở thành phong trào rộng khắp các xóm. Nhiều hộ dân tham gia hiến đất, hiến ngày công, nên các tuyến đường giao thông liên xóm, xã được kiên cố hóa, đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch sẽ, trung tâm văn hóa - thể thao xã được đầu tư xây dựng khang trang, khuôn viên sạch đẹp, nhiều cây xanh, là điểm vui chơi, giải trí, thể thao cho trẻ em và người cao tuổi. Xã có 11 hợp tác xã, ba tổ hợp tác sản xuất, tám làng nghề, 38 cơ sở sản xuất, kinh doanh chè an toàn, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Cương, Phạm Tiến Sỹ cho biết: Tân Cương được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới tháng 8-2015. Thu nhập bình quân đầu người tính đến hết năm 2020 ước đạt 48,3 triệu đồng/năm. Hiện nay, các cấp chính quyền, đoàn thể xã đang vận động nhân dân các thôn, xóm tiếp tục xây dựng nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được và phấn đấu thực hiện đạt các tiêu chí của xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Phấn đấu “kiểu mẫu” về văn hóa
Ở Tân Cương, nhiều lễ hội dân gian truyền thống được gìn giữ và phát huy đến hôm nay. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nâng cao đời sống tinh thần cho người dân được tổ chức thường xuyên do nhu cầu thưởng thức văn hóa của nhân dân rất lớn. Các đội văn nghệ, đội bóng chuyền duy trì hoạt động thường xuyên. Đáng chú ý, Lễ hội “Hương sắc trà xuân” được tổ chức vào ngày 11 tháng Giêng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên tham gia. Đây là hoạt động văn hóa lớn được duy trì tổ chức đều đặn từ năm 2004 đến nay với nhiều hoạt động tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống qua các sản phẩm chè, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Vào dịp Rằm Trung thu, Tân Cương duy trì truyền thống tổ chức Hội trại Tết Trung thu với sự tham gia của các chi đoàn, các xóm với nhiều hoạt động vui chơi và giao lưu văn nghệ, thu hút hơn 5.000 người đến xem và hòa chung không khí lễ hội. Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cộng đồng dân cư đã cùng chung tay xây dựng nếp sống văn minh ở Tân Cương, mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống và xã hội. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, tất cả các xóm đều đạt danh hiệu xóm văn hóa, hộ đạt gia đình văn hóa và cơ quan văn hóa.
Là một trong những xã đầu tiên của TP Thái Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới, xã Tân Cương hiện đã ở gần cuối chu kỳ, một số tiêu chí cần được đầu tư, nâng cao chất lượng để đạt chuẩn “Xã nông thôn mới nâng cao” và “Xã nông thôn mới kiểu mẫu” trong 5 năm tới. Hiện nay, Tân Cương đang nỗ lực đầu tư xây dựng, đổi mới các thiết chế văn hóa. Trong đó, những nhà văn hóa xóm không còn phù hợp về quy mô và diện tích sẽ được xây mới, sửa chữa, nâng cấp và mở rộng, đồng thời mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các nhà văn hóa. Xã cũng sẽ đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị khu thể thao, giải trí cho người già, trẻ em tại nhà văn hóa trung tâm xã, mục tiêu hướng tới là mỗi xóm phải thành lập được ít nhất một đội văn nghệ và một đội thể thao, đồng thời tích cực tổ chức các hoạt động giao lưu để tạo phong trào sâu rộng, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân… Theo lãnh đạo UBND xã Tân Cương, Tân Cương sẽ phấn đấu là “kiểu mẫu” về văn hóa. Với mục tiêu này, các cấp chính quyền và nhân dân trong xã đang chung sức, đồng lòng để sớm hoàn thành các tiêu chí đề ra về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu vào những năm đầu của giai đoạn 2021-2025.
Theo NGỌC LIÊN (Báo Nhân Dân)