Mở rộng thị trường xuất khẩu gạo

18/09/2020 - 05:06

 - Nhu cầu dự trữ lương thực thế giới tăng trong bối cảnh ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 cùng với Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực đang mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu gạo. Trong đó, việc đưa mặt hàng gạo xâm nhập các thị trường khó tính sẽ giúp gia tăng giá trị gạo Việt Nam.

Tận dụng cơ hội

Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) chọn cách thu gom lúa từ thương lái, xay xát rồi xuất khẩu gạo cho đối tác trung gian thì những năm qua, Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương (xã Nhơn Mỹ, Chợ Mới) thực hiện liên kết đầu tư vùng nguyên liệu hơn 4.000ha trồng lúa hữu cơ, lúa sinh thái ở An Giang và Cà Mau. Sản phẩm gạo của công ty đã xuất sang các thị trường khó tính như: Đức, Pháp. Lãnh đạo công ty cho biết, với những lợi thế từ Hiệp định EVFTA, dự kiến đầu năm 2021, DN này sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu tại Liên minh Châu Âu (EU), trong đó vẫn ưu tiên 2 thị trường truyền thống là Đức và Pháp.

Đối với Công ty TNHH Angimex - Kitoku (TP. Long Xuyên), nhiều năm qua đã sản xuất lúa Nhật theo quy trình, tiêu chuẩn riêng, vẫn xuất khẩu sang thị trường Châu Âu và nhiều nước trên thế giới. Công ty đã xây dựng vùng nguyên liệu 4.000ha/năm, chế biến và xuất khẩu sang nhiều nước với sản lượng khoảng 10.000 tấn gạo/năm.

Phó Giám đốc Công ty TNHH Angimex - Kitoku Trần Ngọc Châu cho biết, dù tiêu chuẩn GlobalGAP và tiêu chuẩn sản xuất lúa Nhật không giống nhau nhưng sản phẩm gạo từ lúa Nhật được thực hiện theo quy trình riêng, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, kể cả những thị trường khó tính. Công ty đang nghiên cứu thêm các điều kiện để đẩy mạnh xuất khẩu sang EU.

Ngành lúa gạo đứng trước cơ hội mở rộng thị trường

Nhiều DN xuất khẩu gạo trên địa bàn An Giang đã nghiên cứu Hiệp định EVFTA từ trước khi được thông qua để sẵn sàng xuất khẩu nhằm hưởng những điều kiện ưu đãi về thuế quan, thị trường. Với những tiêu chuẩn sản xuất đang được áp dụng hiện nay, các DN cho rằng, gạo An Giang nói riêng, gạo Việt Nam nói chung có thể xuất khẩu đi toàn cầu, kể cả những quốc gia có đòi hỏi khắt khe như: Mỹ, Úc, các nước trong khối EU...

Chuẩn bị tốt điều kiện

Một DN ở quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) cho biết, khi EVFTA có hiệu lực, DN ngay lập tức được hưởng lợi. Cuối tháng 8 vừa qua, DN này đã ký hợp đồng bán 3.000 tấn gạo thơm ST20 và Jasmine cho 3 DN ở Đức, giá giao tại cảng TP. Hồ Chí Minh là 1.008 USD/tấn, cao hơn nhiều so với giá trước đây (chỉ khoảng 600 USD/tấn) và cao hơn gấp đôi so mức giá xuất khẩu bình quân đối với gạo thông thường hiện nay. Nguyên nhân giá xuất khẩu vượt ngưỡng 1.000 USD/tấn là nhờ được áp dụng thuế suất 0% khi xuất khẩu vào EU.

Theo các DN có kinh nghiệm, với thuế suất giảm về 0% khi thực thi EVFTA, giá bán lẻ của gạo Việt sẽ có sức cạnh tranh lớn so với các quốc gia xuất khẩu gạo khác. EU vốn là thị trường khó tính, chấp nhận nhập khẩu gạo với mức giá cao nên nếu đáp ứng tốt các yêu cầu, có sản phẩm gạo của Việt Nam có thể xuất khẩu được giá đến 2.000 USD/ tấn.

Tuy nhiên, EU có những quy định rất chặt chẽ về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hạt gạo. Để có thể xuất khẩu gạo vào thị trường khó tính này, DN cần chuẩn bị tốt vùng nguyên liệu sạch, thay đổi thói quen người nông dân phải trồng lúa theo quy trình GlobalGAP, quy trình VietGAP có hệ thống quản lý FSSC 2200, thường xuyên kiểm tra, đánh giá khắt khe, nghiêm ngặt.

Tiếp đà thắng lợi của 2 vụ đông xuân và hè thu vừa qua, nông dân trên địa bàn An Giang đã cơ bản xuống giống xong hơn 161.500ha lúa thu đông 2020 theo kế hoạch, chiếm hơn 20% tổng diện tích xuống giống của toàn vùng ĐBSCL (khoảng 800.000ha).

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, ngành nông nghiệp đang tiếp tục phối hợp các sở, ngành, địa phương kết nối DN trong và ngoài tỉnh liên kết với nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu với quy trình canh tác chặt chẽ, an toàn. Bù lại, khi hợp đồng xuất khẩu gạo được giá cao, DN cũng hợp đồng mua lúa của nông dân giá cao hơn bình thường. Điều này chẳng những giúp mang lại lợi ích cho DN và nông dân mà còn góp phần nâng giá trị, uy tín, xây dựng thương hiệu cho ngành hàng lúa gạo của An Giang và cả nước.

Theo cam kết của Hiệp định EVFTA, EU dành ưu đãi thuế 0% cho 80.000 tấn gạo Việt Nam/năm. Con số này tuy còn nhỏ so với khả năng cung ứng của Việt Nam (khoảng 3 triệu tấn gạo thơm/năm), tuy nhiên, đây vẫn là khởi đầu thuận lợi cho gạo Việt nếu DN biết tận dụng tốt cơ hội.

 

NGÔ CHUẨN