Theo báo cáo kết quả lĩnh vực lâm nghiệp 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), diện tích rừng trồng mới tập trung đạt khoảng 124 nghìn ha, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước; chuẩn bị được khoảng 600 triệu cây giống các loại phục vụ cho kế hoạch trồng rừng năm 2023.
Ngành lâm nghiệp cũng trồng 45,9 triệu cây phân tán, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Cấp chứng chỉ rừng cho khoảng 29.500ha và 30.000ha đã đánh giá xong, chờ cấp chứng chỉ, nâng tổng số diện tích rừng có chứng chỉ lên 438,5ha trên 32 tỉnh trong cả nước.
Trong 6 tháng đầu năm nay, khai thác rừng trồng tập trung toàn quốc đạt 8,806 triệu m3 gỗ, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 6 tháng đầu năm ước đạt 6,42 tỷ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 36% kế hoạch. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5,96 tỷ USD, giảm 29%, lâm sản ngoài gỗ 455,7 triệu USD, giảm 26,2%.
Xuất siêu của nhóm ngành hàng này ước đạt 5,32 tỷ USD, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ 2022. Xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ cũng là ngành hàng có mức xuất siêu cao nhất so với các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp.
Dù đơn hàng sụt giảm nhưng ngành lâm nghiệp vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu 17,5 tỷ USD trong năm 2023 (Ảnh: Quỳnh Hương)
Theo Cục Lâm nghiệp, kinh tế thế giới tiếp tục suy thoái, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển nên người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nhất là ở các thị trường chính Mỹ và châu Âu. Các doanh nghiệp sản xuất của nước ta gặp khó khăn trong việc ký kết và thực hiện các đơn hàng.
Ngoài ra, xung đột Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như: chi phí logistics, giá nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào tăng cao... Cùng với đó, chính sách bảo hộ của các nước vẫn được tăng cường, ảnh hưởng tới thương mại sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, thừa nhận, sự sụt giảm trong xuất khẩu của nhóm hàng gỗ và lâm sản ngoài gỗ là bởi các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật đều hạn chế nhập.
Theo ông, lạm phát tăng cao, người tiêu dùng ở các thị trường này thắt chặt chi tiêu, chỉ ưu tiên mua các sản phẩm thiết yếu phục vụ cuộc sống. Các sản phẩm đồ gỗ không nằm trong nhóm hàng thiết yếu nên bị giảm mua.
Do đó, thời gian qua, có doanh nghiệp hầu như không ký được đơn hàng mới, ông Lực chia sẻ.
Dù xuất khẩu vẫn tiếp tục sụt giảm mạnh, song ngành lâm nghiệp vẫn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản năm nay đạt khoảng 17,5 tỷ USD, cao hơn 16,83 tỷ USD của năm 2022.
Để hoàn thành mục tiêu này, ngoài các giải pháp nhằm phát triển bền vững, ngành lâm nghiệp cần phối hợp với các ngành khác trong việc ngăn chăn tình trạng gian lận thương mại, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro. Bám sát, xây dựng kịch bản điều hành về xuất, nhập khẩu gỗ và lâm sản; phát triển thị trường xuất khẩu phù hợp luật pháp quốc tế, các hiệp định đã ký kết.
Theo Vietnamnet