Mùa này, ớt ngọt

06/05/2020 - 05:35

 - Như nhiều xã vùng biên của An Phú (An Giang), xã Phú Hữu trồng nông sản khá phong phú: ớt, bắp, đậu phộng, bí đao... Mùa nào thức nấy, người dân loay hoay trên ruộng, chắt chiu từng khoản thu nhập để cuộc sống dễ chịu hơn. Mấy tuần nay, ớt vào mùa, nên cả xã nhuộm một màu đỏ rực.

Trồng nông sản tạo ra nguồn thu nhập chính cho người dân Phú Hữu. Từ đây, nhiều lao động nhàn rỗi ở nông thôn được tạo việc làm, có cuộc sống tương đối ổn định. Công việc không cần tay nghề kỹ thuật, nam hay nữ đều có thể làm tốt, chỉ cần khỏe mạnh, chịu khó. Thời điểm chúng tôi đến, ớt đã vào cuối vụ thu hoạch. Cây ớt cao đến ngực người lớn, bung nhánh ra mọi không gian trống. Trái ớt bắt đầu nhỏ dần, ít hẳn đi. Chủ ruộng ớt huy động nhân công tập trung “mót” sản lượng còn lại.

Để chống lại cái nắng gay gắt, hầm hập, người hái ớt vừa mặc áo khoác, đội nón, đeo khẩu trang, che kín cơ thể, vừa trang bị thêm một cây dù to. Hái ớt đến đâu, họ di chuyển cây dù theo tới đó. Tuy vậy, không khí vẫn đục quánh hơi nóng, nếu không quen, có thể bị say nắng. Người ta xua bớt mệt mỏi bằng cách nói cười, trêu ghẹo nhau không ngớt.

Chị Lê Thị Thu (46 tuổi) thoăn thoắt hái ớt, bỏ vào chiếc túi vải đeo trước bụng: “Mỗi ngày, 1 người có thể hái được 30kg ớt. Trong 1 giờ đồng hồ, từ 3 - 5kg ớt được thu hoạch. Người làm thuê như tôi được trả công 4.000 đồng/kg. Cuối ngày, tôi được trả 120.000 đồng. Chủ ruộng ớt nào thương nhân công thì cho thêm ít tiền. Ớt giờ cuối vụ, trái nhỏ hoặc không còn trái nhiều. Khoảng 2 tuần nữa là dứt điểm. Lúc đó, tôi lại chuyển sang công việc khác, ai thuê gì làm nấy”.

Người dân trồng nhiều loại ớt khác nhau, nhưng phổ biến vẫn là Chánh Phong 131, vì cho trái chất lượng cao, thị trường trong và ngoài nước đều ưa chuộng. Từ khi gieo hạt đến lúc hái là 90 ngày. Tuy nhiên, ớt hay mắc bệnh thán thư (còn gọi bệnh đốm trái, nổ trái). Vì vậy, người hái ớt phải bỏ trái hư từ ngoài ruộng. Sau đó, một bộ phận nhân công khác tiếp tục chọn lựa lại những trái đẹp để “đi rổ” (đưa ra thị trường). Mỗi giờ lựa ớt, nhân công được trả 15.000 - 20.000 đồng.

Cũng như chị Thu, trước đây, bà Nguyễn Thị Thủy (57 tuổi) được thuê hái ớt trên đồng. Mấy năm nay, sức khỏe giảm sút, bà xin làm ở khâu lựa ớt. “Mỗi ngày, tôi làm được 6-7 tiếng đồng hồ, tùy theo số lượng ớt phải lựa. Buổi trưa, ớt về tới nên giờ làm của tôi bắt đầu từ trưa đến chiều tối. Ngồi suốt vừa mệt vừa nhức mỏi, nhưng dù sao vẫn tốt hơn làm ngoài nắng” - bà Thủy cười.

Đợt này, dịch bệnh Covid-19 phần nào ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ nông sản của người dân. Tuy vậy, ớt vẫn có đầu ra ở thị trường nội địa. Chị Lê Thị Nương (41 tuổi) chia sẻ: “Tôi thuê hơn 10 nhân công để thu hoạch 6 công ớt. Năm nào ớt cho năng suất cao, có thể thu hoạch 3-5 tấn/công. Mùa này, ớt đẹp được mua với giá 12.000 - 14.000 đồng/kg. Tính ra, tôi theo nghề trồng ớt đã 10 năm. Cũng có khi ớt không có giá, năng suất không cao, nhưng người trồng không đến mức lỗ lã. Lấy công làm lời, tôi cũng xúm lại lựa ớt để nhanh giao cho thương lái, giảm được chút chi phí nào hay phần đó”.

Ớt tươi dù tiêu thụ có mạnh đến cách mấy cũng vẫn nhanh héo, giảm chất lượng. Vì vậy, những trái ớt tươi không đạt chuẩn sẽ được phơi khô để làm ớt khô, đi theo một thị trường riêng. Chị Trần Thị Loan (43 tuổi) đã 10 năm làm bạn hàng thu mua ớt khô, từ thời điểm ớt mới bắt đầu được trồng ở xứ này. Cao điểm, có ngày chị thu mua 4-5 tấn ớt. Lúc rảnh, chị tự mình ngồi lựa ớt.

Chị kể, người nào mới lựa, dễ bị sặc, vì ớt khô có mùi cay nồng, phải đeo khẩu trang. Riết từ từ quen, cởi khẩu trang ra cũng thấy bình thường. Nhưng lạ một điều, chuyên nghề kinh doanh ớt, chị lại không biết ăn ớt. Lạ hơn nữa, chị vẫn có thể phân biệt ớt ngon hay không nhờ màu sắc, mùi của trái ớt.

“Khoảng 3,7-4kg ớt tươi sẽ cho ra 1kg ớt khô. Giá ớt khô tùy theo chất lượng, sẽ được bán từ 34.000 - 70.000 đồng/kg. Ớt tươi phải được phơi 7 ngày liên tục trong nắng đẹp, hoặc 10 ngày nếu thời tiết không tốt. Quá trình phơi, phải cào cho mỏng, xốc trở liên tục để ớt khô đều, không bị mốc. Nhân công được thuê làm khâu này với giá 200.000 đồng/ngày đối với nữ, 250.000 đồng/ngày đối với nam (vì nam có trách nhiệm mang vác, vận chuyển đồ nặng). Sau đó, ớt được gom vào trong bao, chờ được lặt cuống (giá thuê nhân công 1.000 đồng/kg), phân loại theo chất lượng. Xong tất cả các khâu thì chỉ giao bán trong và ngoài tỉnh hoặc xuất khẩu. Tôi đem hàng đi khắp các tỉnh chào giá, tìm mối mang, chứ không ở một chỗ chờ người lại mua” - chị Loan vui vẻ cho biết.

Trong quá trình đưa tôi đi tác nghiệp, Trưởng ban Nhân dân ấp Phú Lợi Kiều Thanh Hòa thông tin thêm: “Tính ra, cây ớt cũng lắm bấp bênh. Dịch bệnh, rớt giá thì người trồng nhổ cây ớt đi, trồng cây khác thế vào. Ruộng ớt nhà ai còn “sung sức”, cho năng suất cao thì họ ráng bám trụ để kỳ vọng vào giá cả nhích lên. Không đến mức lỗ, nhưng có khi “đồng tiền cũ đổi đồng tiền mới”, lời lãi không là bao”.

Với người dân nơi đây, mùa này, ớt tuy cay, nhưng rất ngọt ngào. Đó là vì chúng mang lại lợi nhuận cho họ, mang đến nụ cười sau những ngày cực khổ mưa nắng ngoài đồng. Bù lại cho những lúc, màu của ớt chín đỏ, rực rỡ là thế, mà chất chứa bao tiếng thở dài, cay xé lòng...

GIA KHÁNH