Sinh trưởng ngắn, năng suất cao
Hàng năm, cứ đến mùa nước nổi thì phần lớn diện tích đất ruộng của nông dân cồn An Thạnh (khu vực xã Hòa Bình) bị ngập nước. Do không thể trồng lúa, rau màu nên nông dân ở đây thường canh tác các loại cây thủy sinh hoặc nuôi trồng thủy sản để tăng thêm thu nhập. Trong đó, ấu là loại cây trồng phổ biến, được nông dân ưu tiên lựa chọn.
Mô hình trồng ấu trên địa bàn xã Hòa Bình phát triển từ năm 2005, khi địa phương chủ trương vận động trồng cây màu thay thế cây lúa, đi đôi với nạo vét kênh mương nội đồng. Thông qua các buổi hội thảo nông nghiệp, tham quan học tập kinh nghiệm tại nhiều nơi, thấy mô hình trồng ấu đem lại kết quả khả quan nên bà con bắt tay canh tác. Từ vài hộ ban đầu, đến nay, ấu là loại cây trồng phổ biến của nông dân nơi đây. Thông thường, cây ấu được trồng chủ yếu vào vụ 3 để tận dụng mùa nước nổi hàng năm. Tuy nhiên, vẫn có hộ đất lung, trũng có thể canh tác 2 vụ ấu sau vụ đông xuân.
Cũng như mọi năm, đến vụ thu đông là gia đình ông Võ Văn Ghe lại trồng ấu trên đất ruộng với diện tích 8 công. Ông xuống giống khoảng tháng 5 (âm lịch), dự định tháng 10 (âm lịch) sẽ thu hoạch dứt điểm, sau đó chuyển sang xuống giống lúa đông xuân. Ông Ghe cho biết, để ấu phát triển thuận lợi, trong quá trình canh tác, ông cho nước ra vào thường xuyên, tránh tình trạng nước trong ruộng bị thối. Trong quá trình canh tác, phải thường xuyên bón các loại phân hữu cơ để thúc đẩy cây phát triển, nuôi trái cũng như kéo dài thời gian thu hoạch...
Cây ấu đã góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương
Giống ấu được bà con cồn An Thạnh trồng chủ yếu là ấu Đài Loan. Loại ấu này có vỏ mỏng, thịt nhiều, ngọt bùi hơn các giống ấu khác. Đây là giống ấu dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, phù hợp với điều kiện canh tác chủ yếu của địa phương. Trong quá trình chăm sóc, nông dân chủ yếu bón phân để cây phát triển và phòng ngừa ốc tấn công lúc cây còn nhỏ. Loại cây trồng này có thời gian sinh trưởng ngắn, cho năng suất cao, thu hoạch kéo dài nên được nhiều nông dân lựa chọn để canh tác. Ngoài ra, loại ấu này có chất lượng cơm ngon ngọt, được thị trường ưa chuộng.
Ông Ghe cho biết, để ấu đạt năng suất cao, phải chú trọng khâu chuẩn bị giống. Theo đó, giống chất lượng là những củ ấu căng tròn, đảm bảo không có mầm bệnh hay dị tật. Nếu muốn ngừa bệnh thì nên phun thuốc vào giai đoạn đầu khi trồng nhằm tránh các loại côn trùng, như: Cua, ốc, sâu gây hại ngọn, lá hay trái ấu…
Thêm thu nhập cho nông dân
Năm nay, bà con nông dân trồng ấu ở xã Hòa Bình nói chung, gia đình ông Ghe nói riêng vô cùng phấn khởi bởi ấu được mùa, được giá. Ông Ghe cho biết, năng suất vụ này đạt khoảng 2 tấn/công. Hiện nay, ấu được thương lái thu mua với giá 7.000 đồng/kg, cao hơn năm trước 2.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, nông dân thu về lợi nhuận 10-11 triệu đồng/công.
Bên cạnh nguồn lợi kinh tế từ cây ấu, nông dân còn tận dụng thân và lá của cây ấu để làm phân hữu cơ bón cho ruộng lúa trong những vụ tiếp theo. Ngoài ra, trong quá trình canh tác ấu, ruộng lúa có được lượng phù sa bồi lắng, giúp cây lúa vụ đông xuân phát triển tốt, tiết kiệm chi phí phân bón. Bên cạnh đó, cây lúa ít bị dịch bệnh do cách ly được 1 mùa vụ, mầm bệnh không có điều kiện phát triển. Nhờ tránh được tình cảnh lúa cỏ, lúa ma trong vụ đông xuân nên năng suất lúa ở mức cao.
Bên cạnh các hộ canh tác, cây ấu còn giúp cho nhiều người dân có thêm thu nhập từ các nghề “ăn theo” như hái ấu thuê. Công việc tuy có phần vất vả, song cũng cho thu nhập tương đối, bình quân 200.000-300.000 đồng/người/ngày. Tại xã Hòa Bình đã có nhiều hộ chuyên mua ấu tươi, phân phối lại tiểu thương các chợ hoặc hộ bán ấu ven đường, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Ấu là một trong những loại thủy sinh mà nhiều người dân chọn để trồng nhằm tăng thu nhập mùa nước nổi. Cây ấu có thể sống được quanh năm, nhưng chúng sinh trưởng tốt và cho năng suất cao vào mùa mưa. Từ sự phát triển của mô hình trồng ấu Đài Loan đã hình thành hệ thống canh tác lúa - màu - ấu hoặc lúa - ấu - ấu đối với nông dân xã Hòa Bình nói riêng, một số địa phương trong tỉnh nói chung. Đây cũng là loại cây “sống chung với lũ”, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.
ĐỨC TOÀN