Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ cho người dân tại New Orleans, Mỹ, ngày 13/8/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Theo hãng CNN, cơ quan y tế Los Angeles và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ đã xác nhận về ca tử vong trên, đồng thời cho biết người này bị suy giảm hệ miễn dịch nghiêm trọng và đã phải nhập viện điều trị.
"Những người bị suy giảm miễn dịch nặng nếu nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ thì nên đi khám và điều trị sớm, cũng như nên được bác sĩ theo dõi trong thời gian bị bệnh", thông báo của CDC Mỹ khuyến cáo.
Tiến sĩ William Schaffner, Giáo sư tại Khoa Các bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, nói với CNN rằng hệ miễn dịch của bệnh nhân xấu số kể trên đã không thể kiểm soát virus khi chúng xâm nhập vào cơ thể. Do đó, virus nhân mạnh và lây lan đến những cơ quan khác, gây suy giảm chức năng.
Tình trạng tử vong do bệnh đậu mùa khỉ là hiếm gặp và thường ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như do virus HIV.
Trước đó, một người dân ở Texas cũng từng mắc bệnh đậu mùa khỉ và tử vong vào tháng trước. Tuy nhiên, vai trò của virus trong trường hợp này vẫn chưa được xác nhận nên Mỹ không coi đó là ca tử vong đầu tiên vì đậu mùa khỉ tại nước này.
Theo dữ liệu của CDC, tính đến ngày 12/9, nước Mỹ đã có gần 22.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó khu vực California tập trung nhiều ca bệnh nhất: 4.300 người.
Trên toàn cầu, đã có gần 58.000 người mắc bệnh và 18 người tử vong. Các quan chức y tế nhận định xu hướng lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ dường như đang chững lại, song người dân không nên chủ quan.
Trước đó, vào ngày 8/9, giới chức y tế Mỹ thông báo sẽ tiến hành cuộc thử nghiệm lâm sàng nhằm đánh giá hiệu quả của việc tiêm các liều lượng khác nhau của vaccine Jynneos phòng bệnh đậu mùa khỉ do hãng Bavarian Nordic (Đan Mạch) sản xuất. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện quan ngại về tính hiệu quả của vaccine.
Cuộc thử nghiệm trên do Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) tài trợ, có sự tham gia của 200 người trưởng thành từ độ tuổi 18-50 tuổi tại Mỹ. Giám đốc NIAID Anthony Fauci nhấn mạnh cuộc thử nghiệm sẽ cung cấp thông tin quan trọng về khả năng sinh miễn dịch, tính an toàn và khả năng dung nạp vaccine qua các liều lượng tiêm khác nhau, từ đó cho phép mở rộng phân bổ vaccine này.
Theo HOÀNG TRANG (Báo Tin Tức)