Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

04/12/2020 - 07:08

 - Dù được đánh giá là khuynh hướng tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại nhưng việc phát triển những loại hình kinh tế tập thể (KTTT) như: hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) trên địa bàn An Giang vẫn chưa như mong đợi. Để đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả KTTT, đòi hỏi hành động của cả hệ thống chính trị và thay đổi tư duy nhận thức từ chính người dân.

Còn nhiều khó khăn

Ngày 18-3-2002, tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả KTTT. Ngày 2-8-2002, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Chỉ thị số 10-CT/TU về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trên địa bàn tỉnh An Giang.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, sau 18 năm triển khai thực hiện chủ trương này, nhận thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về phát triển KTTT, HTX được nâng lên. Cùng với hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách được quan tâm xây dựng, ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX các cấp được củng cố và kiện toàn từ cấp tỉnh đến cấp huyện.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư, những năm gần đây, khu vực KTTT, HTX phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài. Thời gian qua, đã xuất hiện thêm nhiều loại hình, mô hình HTX, THT hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo cho các thành viên, từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực KTTT, HTX trong nền kinh tế.

Hợp tác xã nông nghiệp ngày càng khẳng định vai trò quan trọng sản xuất nông nghiệp

Bên cạnh kết quả đạt được, khu vực KTTT, HTX vẫn còn hạn chế, bất cập như: tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GRDP của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu; phần lớn tổ chức KTTT, HTX có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều; việc quản trị, điều hành HTX theo Luật HTX năm 2012 còn nhiều vướng mắc; sự liên kết, hợp tác giữa các tổ chức KTTT, HTX với nhau và với các loại hình kinh tế khác còn yếu…

Những hạn chế, yếu kém chủ yếu do nguyên nhân chủ quan. Ở một vài nơi, cấp huyện chưa quan tâm đúng mức về việc xây dựng kế hoạch phát triển KTTT, HTX 5 năm và hàng năm; chưa lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của ngành, địa phương.

Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước ở một số nơi còn buông lỏng hoặc can thiệp quá sâu, không đúng đối với tổ chức, hoạt động của HTX, THT. Ở nhiều HTX, trình độ quản lý của Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc còn hạn chế, chưa mở rộng thêm dịch vụ, thu hút nguồn vốn và thành viên tham gia. Một số HTX vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước...

Tập trung nâng chất

Trước những tồn tại, hạn chế của KTTT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư vừa ký Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai Kết luận số 70-KL/TW, ngày 9-3-2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 05 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, trên địa bàn tỉnh An Giang.

Trong đó, tập trung thực hiện tốt Chiến lược phát triển KTTT, HTX tỉnh trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển KTTT, HTX tỉnh trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025 và các chính sách, pháp luật có liên quan nhằm tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, HTX.

UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung nâng cao hiệu quả và tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, HTX với nội dung và hình thức phong phú, phù hợp với các nhóm đối tượng. Đồng thời, tăng cường hoạt động phối hợp giữa sở, ban, ngành tỉnh và địa phương trong phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng của khu vực KTTT, HTX, tăng tỷ lệ đóng góp vào GRDP của tỉnh An Giang.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và nhân dân về bản chất của KTTT, HTX, nhất là về HTX kiểu mới. Qua đó, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của KTTT trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xác định rõ phát triển KTTT, HTX là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã quan tâm lãnh, chỉ đạo phát triển KTTT, HTX, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.

UBND tỉnh đề nghị nghiên cứu, đề xuất đưa nội dung phát triển KTTT, HTX vào giảng dạy (chuyên đề) trong hệ thống các trường chính trị, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Song song đó, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển KTTT, HTX và pháp luật có liên quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để KTTT, HTX phát triển bền vững…

UBND tỉnh đề nghị đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, truyền thông nhằm quảng bá sản phẩm của HTX, THT. Đồng thời, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới công tác quản lý, hoạt động sản xuất, phát triển và nâng cao chất lượng nông sản, sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, khẳng định vai trò nền tảng của khu vực KTTT, HTX trong nền kinh tế.

NGÔ CHUẨN