Nâng cao hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm

31/12/2021 - 06:47

 - Chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo việc làm cho lao động, giúp nhiều hộ gia đình mở rộng và phát triển sản xuất - kinh doanh. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người lao động.

Quỹ Quốc gia về việc làm tạo điều kiện cho nông dân phát triển mô hình kinh tế

Nguồn vốn vay kịp thời

Những năm qua, vấn đề giải quyết việc làm luôn được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện, với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp. Đặc biệt, giải quyết việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh. 

Tại huyện Châu Phú (tỉnh An Giang), Hội Nông dân xã Bình Long tập trung triển khai nguồn vốn vay để hỗ trợ nông dân duy trì và phát triển sản xuất. Trong đó, nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ Quốc gia về việc làm đã và đang mang lại hiệu quả tích cực cho bà con. Ông Nguyễn Hoàng Dũng cho biết, gia đình ông được hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ Quỹ Quốc gia về việc làm để phát triển mô hình nuôi lươn trong bể bạt. Nguồn hỗ trợ kịp thời tạo điều kiện cho gia đình ông duy trì và phát triển chăn nuôi. Đến nay, ông có 10 bể, tổng diện tích 240m2. Ngoài nuôi lươn, ông Dũng còn nuôi heo để nâng cao thu nhập cho gia đình. Các mô hình mang về thu nhập cho ông hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hội Nông dân xã Bình Long còn hỗ trợ nông dân vay vốn từ nguồn Quỹ Quốc gia về việc làm để phát triển mô hình nuôi bò kết hợp trùn quế, với 6 hộ vay, tổng số tiền 300 triệu đồng. Hiện nay, mô hình phát huy hiệu quả, giúp nông dân nâng cao thu nhập trên cùng 1 đơn vị diện tích.

Có thể thấy, hoạt động cho vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm mang lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho người lao động được vay vốn, tạo việc làm, tăng thu nhập và phát triển nhiều mô hình kinh tế bền vững. Chỉ tính riêng trong năm 2021, doanh số cho vay thông qua chương trình đạt 106 tỷ đồng, với 2.652 lượt người dân được vay vốn. Được kết quả trên là nhờ công tác quản lý cho vay, thu hồi nợ được thực hiện nghiêm túc; việc giám sát sử dụng vốn, cho đến đôn đốc trả nợ được tổ chức hội nhận ủy thác cấp xã và đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm theo dõi thường xuyên, liên tục.

Các tổ chức nhận ủy thác, như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, UBND các cấp và ngành có liên quan tổ chức xét chọn đúng đối tượng; kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng vốn; đôn đốc thu lãi hàng tháng, nhắc nhở người vay trả nợ đúng hạn... Nhờ đó, nguồn vốn được thu hồi và nợ quá hạn không ngừng giảm qua các năm. Công tác xử lý nợ bị rủi ro (do nguyên nhân khách quan) được xử lý tốt, đảm bảo việc xử lý nợ bị rủi ro chính xác, kịp thời...

Nâng cao hiệu quả nguồn vốn ưu đãi

Việc triển khai Quỹ Quốc gia về việc làm dù mang lại hiệu quả tích cực, nhưng còn nhiều khó khăn. Trong đó, nguồn vốn bổ sung hàng năm từ Ngân hàng Chính sách xã hội và vốn thu hồi không thể đáp ứng nhu cầu vốn để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trong dân. Mặt khác, khả năng quay vòng vốn của chương trình (bao gồm vốn của Trung ương và ủy thác địa phương) chỉ giải quyết khoảng 26% nhu cầu vay vốn của người dân. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động tín dụng chính sách nói chung và cho vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm nói riêng; chưa bố trí kịp thời nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang để cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm...

Để nâng cao hiệu quả Quỹ Quốc gia về việc làm, thời gian tới, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị liên quan, tiếp tục tham mưu HĐND, UBND và Ngân hàng Chính sách xã hội ưu tiên tập trung nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân về nguồn vốn này, để người dân tiếp cận, nắm rõ mục đích của nguồn vốn và sử dụng vốn vay hiệu quả. Ưu tiên cho vay đối với lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, người tàn tật, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, cơ sở dạy nghề dành riêng cho người tàn tật, nhằm tránh nguy cơ mất việc làm, ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.

Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các đơn vị có liên quan tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ về nguồn vốn giải quyết việc làm của Trung ương; tham mưu UBND tỉnh An Giang  trình HĐND ban hành nghị quyết bổ sung vào nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm địa phương, nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn ngày càng cao trong nhân dân. Đồng thời, xây dựng dự án hướng vào ngành nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao, sử dụng nhiều lao động; xác định mức vay đáp ứng nhu cầu vốn của dự án, hạn chế cho vay dàn trải, tạo điều kiện cho dự án thực hiện đúng tiến độ, tránh cho vay vào cuối năm...

ĐỨC TOÀN