Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa

13/09/2018 - 07:53

 - Dù là cây trồng chủ lực của An Giang nhưng nhiều năm nay, không ít nông dân (ND) canh tác lúa đạt hiệu quả chưa thật sự cao. Nguyên nhân không phải vì lúa không có giá trị, mà do chi phí đầu vào khá lớn, lợi nhuận chưa nhiều. Do vậy, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật canh tác tiến bộ để giảm chi phí đầu vào được xem là giải pháp hàng đầu, giúp tăng lợi nhuận cho ND.

Thay đổi thói quen canh tác theo hướng tiết kiệm sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất lúa

Sạ thưa mà hiệu quả

Lâu nay, trong canh tác lúa, ND thường có thói quen sạ dầy để lúa lên nhiều, bù lại phần lúa bị hao hụt do giống không nảy mầm, lúa non bị ốc cắn, lúa chết do thời tiết… “Lúc trước, mỗi công đất thường phải sạ từ 22-25kg. Lỡ lúa có bị ốc cắn hay không lên ở một số chỗ thì mình chiết lúa nơi này cấy sang nơi khác. Tuy nhiên, bây giờ ND được khuyến cáo xuống giống theo lịch thời vụ né rầy, không xuống giống khi vào cao điểm mùa mưa bão. Trước khi xuống giống, mình rút khô nước, xử lý thuốc ốc bươu vàng nên tỷ lệ hao hụt do lúa không lên, bị ốc cắn được hạn chế rất nhiều.Nếu vẫn sạ dầy từ 22-25kg/công sẽ lãng phí hơn 10kg giống so với sạ thưa (12kg/công).Riêng tiền giống đã đội thêm khoảng 150.000 đồng/công mà còn nặng thêm chi phí phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, năng suất lại không cao hơn sạ thưa. Dù thực tế đã chứng minh như vậy nhưng không ít ND vẫn giữ thói quen sạ dầy” - ND Trần Văn Hiến (xã Vọng Thê, Thoại Sơn) bộc bạch.

Để thay đổi thói quen của ND cũng như giảm chi phí đầu vào, những năm qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) các cấp trên địa bàn tỉnh đã tăng cường truyền thông giảm lượng giống gieo sạ bằng cách trình diễn thí điểm, khuyến cáo sạ thưa hoặc gieo mạ, cấy lúa. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang cho biết, vụ đông xuân 2017-2018, toàn tỉnh có 7.284ha áp dụng phương pháp cấy mạ (3,1%), 48.170ha gieo sạ với lượng giống dưới 120kg/ha (20,5%), 155.317ha gieo sạ 120-150kg/ha (66,1%). Tuy nhiên, vẫn còn 24.202ha áp dụng lượng giống trên 150kg/ha (chiếm 10,3% tổng diện tích xuống giống). Chi cục TT&BVTV đã phối hợp thực hiện 2 mô hình truyền thông giảm giống tại xã Vĩnh Hanh (Châu Thành) và xã Nhơn Mỹ (Chợ Mới). Vụ hè thu 2018, tiếp tục thực hiện 1 mô hình truyền thông giảm giống tại xã Vĩnh Hanh. Qua đó, chứng minh được hiệu quả kinh tế của việc giảm giống, tăng cường áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp, công nghệ sinh thái (ruộng lúa bờ hoa)… nhằm giảm lượng phân bón, thuốc BVTV, tăng năng suất, chất lượng hạt lúa, qua đó tăng thêm lợi nhuận cho ND.

Những mô hình mới

Khi nhu cầu tiêu dùng trong nước và thế giới ngày càng hướng đến tiêu chuẩn sạch, đòi hỏi chất lượng cao thì việc canh tác lúa không chỉ đơn thuần là “trồng gì bán nấy”, mà phải hướng theo thị trường. Vùng lúa GlobalGAP ở ấp Bình Chơn (xã Bình Chánh, Châu Phú) là một trong những cách làm như thế. Vụ đông xuân 2017-2018, có 13 hộ dân hợp tác sản xuất lúa Jasmine 85 theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích là 38,4ha, tăng đáng kể so vụ đông xuân 2016-2017 (9 hộ tham gia sản xuất 23ha). Đối với ND An Phú, mô hình “sản xuất lúa tuyệt đối không sử dụng thuốc sâu, rầy” tạo được dấu ấn lớn. Vụ đông xuân vừa qua, diện tích thực hiện đạt hơn 400ha với gần 300 hộ ND tham gia (tăng 200ha so vụ hè thu 2017), gồm các xã: Vĩnh Lộc (200ha), Phú Hữu (100ha), Quốc Thái (29ha), Phú Hội (25ha), thị trấn An Phú (30ha), thị trấn Long Bình (10,4ha), xã Vĩnh Hội Đông (15ha), Khánh Bình (5,5ha) và Vĩnh Hậu (2ha). “Mô hình giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và có ý nghĩa to lớn trong việc giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khoẻ cho người ND trực tiếp sản xuất, góp phần mang những sản phẩm sạch cho người tiêu dùng” - Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV Nguyễn Văn Hiền nhận xét.

Hiện nay, tỉnh đang triển khai các mô hình công nghệ sinh thái tại các huyện: An Phú, Châu Thành, Phú Tân, Chợ Mới và Thoại Sơn. Trước đó, các ngành chuyên môn thực hiện 2 bẫy cây trồng tại TP. Long Xuyên (0,5ha) và huyện Chợ Mới (500m2), 5 bẫy hàng rào tại TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu, các huyện Phú Tân, Tịnh Biên và Châu Phú trong vụ đông xuân 2017-2018. Đồng thời, thực hiện 3 mô hình bảo vệ môi trường tại Tri Tôn, Chợ Mới và An Phú. Đối với dự án VnSAT (chuyển đổi nông nghiệp bền vững), cơ quan chuyên môn đã tổ chức 42 lớp tập huấn (An Phú 14 lớp, Châu Phú 28 lớp). Đây là những nỗ lực kết hợp truyền thông và hướng dẫn thực tế giúp ND thay đổi thói quen sản xuất nặng chi phí giống, phân bón, thuốc BVTV... Khi những yếu tố đầu vào được kéo giảm, hiệu quả canh tác lúa được nâng lên đáng kể.

Bài, ảnh: HOÀNG XUÂN