Tăng cường khuyến cáo nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất
Theo đơn vị, năm 2024, sản xuất trồng trọt tiếp tục duy trì ổn định, tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế, với giá trị tăng thêm đạt 778 tỷ đồng. Cụ thể, diện tích trồng lúa toàn tỉnh đạt gần 6,2 triệu ha, sản lượng cả năm ước đạt 4,1 triệu tấn. Về cơ cấu giống, nông dân chủ yếu canh tác giống chất lượng cao, như: OM18, Đài Thơm 8, Nếp, OM5451, IR50404, OM380… Điểm tích cực là lúa chất lượng cao của tỉnh tăng qua từng năm, chiếm từ 80 - 85% diện tích sản xuất; gieo trồng giống xác nhận ước đạt 90% diện tích.
Trong mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Chi cục TT&BVTV An Giang đặt mục tiêu thực hiện 7.463ha trong năm 2024. Trong đó, chuyển đổi hơn 4.807ha lúa, 3.613ha màu, 879ha rau dưa các loại và cây ăn trái đạt 315ha. Nhiều mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật được triển khai vào thực tế sản xuất, cho năng suất cao, chất lượng tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Bên cạnh đó, đơn vị thực hiện liên kết sản xuất 73.623ha lúa và 5.584ha rau màu, tạo vùng nguyên liệu ổn định cho công ty thu mua, giúp nông dân có đầu ra ổn định, nâng cao đời sống. Các công ty, doanh nghiệp liên kết bao tiêu nông sản cho nông dân đạt kết quả khả quan, gồm: Công ty TNHH Angimex Kitoku, Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Công ty Antesco…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, ngành trồng trọt vẫn còn đối mặt với khó khăn nhất định, như: Nông dân chưa nhận thức đầy đủ lợi ích của việc canh tác lúa theo Quy trình 145/QĐ-TT-CLT của Cục Trồng trọt, hướng đến thực hiện tốt Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, một số vùng chưa hoàn thiện hệ thống thủy lợi, nhất là đê bao, cống bọng để phục vụ vùng màu diện tích lớn. Quy mô canh tác của nông dân thường nhỏ lẻ, chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, gây khó khăn cho việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, kiểm soát chất lượng, tiêu thụ nông sản…
Trên cơ sở phát huy kết quả đạt được, nỗ lực khắc phục khó khăn, Chi cục TT&BVTV An Giang phấn đấu tốc độ tăng trưởng của ngành trồng trọt năm 2025 đạt 3,5%, tương đương 800 tỷ đồng. Đơn vị sẽ tích cực xây dựng, triển khai Chương trình tái cơ cấu giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện Quy hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch 167/KH-UBND của UBND tỉnh về phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung nguồn lực đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho các nhóm sản phẩm chủ lực. Tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực phục vụ phát triển sản xuất, đẩy nhanh quá trình phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Đặc biệt, tỉnh tích cực triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đúng theo lộ trình; tham mưu xây dựng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ phù hợp và hiệu quả cho từng vụ; tăng cường chỉ đạo sản xuất, kiểm tra đồng ruộng. Triển khai và thực hiện nhanh phần mềm theo dõi, nhận diện sâu bệnh trên đồng ruộng đến nông dân, giúp người dân chủ động quản lý sâu bệnh.
Về các biện pháp kỹ thuật, Chi cục TT&BVTV An Giang tăng cường bảo vệ năng suất cây trồng; thúc đẩy chương trình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, giúp giảm giá thành và nâng cao hiệu quả sản xuất; đẩy mạnh khuyến nông, tập huấn, khuyến cáo nông dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật; quan tâm thông tin tuyên truyền về hoạt động sản xuất, thông tin thị trường để nông dân nắm bắt kịp thời. Thường xuyên điều tra phát hiện để dự tính, dự báo chính xác diễn biến của các sinh vật chính gây hại trên lúa, màu. Tiếp tục thực hiện tốt công tác chuyên ngành về quản lý giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV; vận động, hỗ trợ địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo kế hoạch hàng năm.
Cùng với đó, phối hợp đơn vị liên quan hỗ trợ địa phương khi có nhu cầu tập huấn về sản xuất an toàn trên các loại cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đẩy mạnh giám sát, cấp mã số vùng trồng trên lúa, rau màu và cây ăn trái; khuyến khích sản xuất gắn với tiêu thụ, đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để thực hiện hợp đồng bao tiêu nông sản, nhằm tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho nông dân.
THANH TIẾN