Nâng cao nhận thức về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

30/10/2023 - 06:41

 - Bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp là một trong những chính sách nhân văn hỗ trợ người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động một phần chi phí khi có tai nạn xảy ra. Đây là một trong 5 chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc được quy định trong Luật BHXH, nhằm chia sẻ gánh nặng, bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của NLĐ không may bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.

Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Hỗ trợ thiết thực

Bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp là chính sách an sinh xã hội, nhằm bù đắp một phần tổn thất cho NLĐ và người sử dụng lao động. Với chính sách này, NLĐ bị tai nạn sẽ được chi trả thêm một khoản phí để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Trong quá trình làm việc, NLĐ không may xảy ra TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, thì chính sách bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cũng hỗ trợ kịp thời một phần chi phí cho NLĐ. 

Cách đây khoảng 5 năm, trong quá trình làm việc, anh Nguyễn Tấn Kiệt (Công ty Cổ phần Bê tông ly tâm) bị mảnh kim loại rơi vào mắt. Tai nạn khiến anh Kiệt nghỉ 6 tháng, thị lực giảm 50%, tỷ lệ thương tật 31%. Sau khi có kết quả giám định bệnh nghề nghiệp và hoàn thiện hồ sơ, thủ tục… anh Kiệt được hưởng gần 600.000 đồng/tháng. Với số tiền này đã giúp anh Kiệt có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.

Còn anh Nguyễn Văn Lốc (làm việc tại Công ty TNHH Xây lắp An Giang) mất 33% sức khỏe do TNLĐ. Anh Lốc cho biết, năm 2018, do tai nạn sập lò khiến anh bị chấn thương vùng lưng, bụng và chân. Sau vụ tai nạn, anh Lốc được công ty hỗ trợ chi phí điều trị bệnh. Hiện, sức khỏe anh cơ bản phục hồi. Mỗi tháng, anh Lốc được hưởng trợ cấp từ Quỹ Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với số tiền 630.000 đồng, giúp giảm gánh nặng chi phí…

Hiện nay, Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn đã kế thừa và phát triển nhiều nội dung mới, ưu việt hơn so với các quy định tại Bộ luật Lao động, Luật BHXH và các quy định trước đây. Trong đó, bổ sung quy định trường hợp NLĐ khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các ngành nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp mà phát hiện bị bệnh nghề nghiệp, thì NLĐ vẫn được đi giám định và đề nghị xem xét giải quyết chế độ. Bên cạnh đó, thống nhất mức hưởng chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau TNLĐ, bệnh nghề nghiệp để phù hợp với chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản quy định tại Luật BHXH.

Hồ sơ giải quyết chế độ bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp đã có nhiều thay đổi theo hướng cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục rườm rà, không cần thiết để tạo điều kiện cho cá nhân, doanh nghiệp (DN) trong việc tham gia thụ hưởng các chế độ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp…

 

Đảm bảo quyền lợi người lao động

Để những chính sách về bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp thực sự đi vào cuộc sống, đồng thời bảo vệ quyền lợi NLĐ. Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp các ngành liên quan thực hiện tốt việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ tại DN.

Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội còn phối hợp tổ chức phát động “Tháng Công nhân - Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động”. Từ đó, khơi dậy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, đồng thời phát huy vai trò tiên phong, tinh thần trách nhiệm của công nhân, NLĐ trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển DN, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, ngành lao động, thương binh và xã hội phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc triển khai hiệu quả công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH, Luật An toàn vệ sinh lao động… tại các DN. Qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân lao động, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. 

Thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật cho người sử dụng lao động và NLĐ trong các DN. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật BHXH… tại các DN để kịp thời giải quyết vướng mắc, hỗ trợ DN xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, phòng ngừa tranh chấp lao động, đình công tự phát tại các DN trên địa bàn tỉnh...

ĐỨC TOÀN