Nâng chất nông thôn mới

06/08/2020 - 06:19

Sau khi đạt chỉ tiêu xây dựng 61/119 xã nông thôn mới (NTM) sớm hơn 1 năm so với lộ trình kế hoạch đề ra, An Giang tập trung củng cố, nâng chất các xã NTM, phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Đối với các xã đang xây dựng NTM, hướng đến mục tiêu thực chất, hiệu quả, không chạy theo thành tích.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm (phải) trao bảng công nhận “Xã nông thôn mới” cho xã Lương An Trà

Động lực nông thôn mới

Ở 1 địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn như Tri Tôn, mỗi xã được công nhận đạt chuẩn NTM đều là nỗ lực rất lớn. Mới đây, xã Lương An Trà đã trở thành địa phương thứ 4 của huyện công bố đón nhận vinh dự này (sau Vĩnh Gia, Tà Đảnh và Lương Phi). Điều đáng trân trọng là trước khi được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn “Xã NTM” (Quyết định số 3261/QĐ-UBND, ngày 31-12-2019), Lương An Trà từng là vùng kinh tế mới rất khó khăn, được thành lập trên cơ sở một phần diện tích tự nhiên của các xã: Lương Phi, An Tức và Ô Lâm theo Nghị định số 60/CP, ngày 7-10-1995 của Chính phủ.

“Lương An Trà đã phấn đấu đi lên từ vùng đất phèn, hoang hóa, với sự đầu tư của nhà nước về hỗ trợ di dân, đào kinh, xây dựng nhiều tuyến kinh nội đồng chằng chịt để tháo chua, rửa phèn. Những di dân thời kinh tế mới đã thể hiện nghị lực phi thường, bám trụ, bám đất và quyết tâm mãnh liệt làm giàu trên mảnh đất này” - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tri Tôn Phan Văn Sương nhấn mạnh.

Ông Sương cho biết, trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đã khắc phục được nhiều khó khăn, gian khổ, biến vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng thành vùng đất tiềm năng, trù phú, hình thành cụm công nghiệp của huyện, tạo thành điểm đến cho các nhà đầu tư vào những dự án quan trọng như: nhà máy gạo Hạnh Phúc, nhà máy bột cá Hải Thuận, nhà máy chế biến lúa gạo Trịnh Văn Phú, Lương thực Tri Tôn, lúa giống SD, lúa giống Lộc Trời, trại chăn nuôi Việt Thắng, nhà máy gạch không nung Phú Phú Phát…

Riêng giai đoạn 2011-2019, Lương An Trà đã huy động tổng nguồn vốn gần 188,72 tỷ đồng để xây dựng đạt tiêu chí xã NTM. Đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người hộ gia đình của xã đạt gần 46,9 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,97%; số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,94%... “Lương An Trà cần quyết tâm giữ vững và nâng cao các tiêu chí, chỉ tiêu đã đạt được, tiến tới xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu” - ông Sương lưu ý.

Với nỗ lực đạt chuẩn “Xã NTM” vượt 1 năm so kế hoạch, phần thưởng Cờ thi đua cùng công trình trị giá 1,25 tỷ đồng mà UBND tỉnh trao tặng là hoàn toàn xứng đáng cho xã Lương An Trà. Việc xây dựng thành công NTM ở vùng hoang hóa, rốn phèn năm xưa là động lực để những địa phương còn khó khăn khác của huyện Tri Tôn như: Tân Tuyến, Lạc Quới, Núi Tô… sớm hoàn thành xây dựng NTM.

Chú trọng chất lượng

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, tính đến tháng 7-2020, cả nước có 5.177 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 58,2% tổng số xã), bình quân cả nước đạt 16,2 tiêu chí/xã. Đối với An Giang, có 61/119 xã đạt NTM (chiếm 51,26%), dù thấp hơn bình quân cả nước nhưng các xã đạt NTM đều là kết quả của những nỗ lực, phấn đấu xứng đáng. NTM giúp bộ mặt nông thôn chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Bình quân toàn tỉnh đạt 15,25 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 9 tiêu chí.

Dù những kết quả xây dựng NTM đến nay là đáng trân trọng, tự hào nhưng theo ông Lâm, chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức. Ông Lâm đề nghị các địa phương đề cao trách nhiệm, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về xây dựng NTM. “Phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, khẳng định vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM; quyết tâm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí với phương châm xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc” - ông Lâm nhấn mạnh.

Theo ông Lâm, trong xây dựng NTM, cần tích cực đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chú trọng phát triển sản xuất, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển dịch vụ, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác, liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, gắn sản xuất với thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Bên cạnh đó, khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay để hướng đến mục tiêu cuối cùng của xây dựng NTM là tăng thu nhập cho bà con nông dân, cải thiện chất lượng cuộc sống.

NGÔ CHUẨN