Nâng giá trị nghề nuôi thủy sản

29/03/2024 - 07:31

 - Thủy sản cùng với lúa gạo là 2 ngành hàng nông nghiệp thế mạnh của An Giang. Không chỉ duy trì sản xuất cá tra diện tích lớn, tỉnh còn khuyến khích phát triển các loài thủy sản bản địa, nhất là các loài cá đặc sản để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Vương quốc Campuchia, nâng cao giá trị ngành hàng thủy sản.

Lợi thế đặc thù

Trong các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, An Giang được hưởng lợi lớn nhất từ dòng Mekong khi có 2 con sông lớn chảy qua là sông Tiền (chảy qua địa phận tỉnh 87km) và sông Hậu (chảy qua 100km), hình thành nhiều hệ thống sông nhánh tự nhiên với chiều dài từ vài km đến 30km, có nhiều vùng bãi bồi ven sông và khả năng trao đổi nước giữa 2 dòng sông Tiền, sông Hậu, hệ thống giao thông thủy phát triển thuận lợi cho vận chuyển và giao thương hàng hóa. Từ đó, An Giang có nhiều lợi thế để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang Trần Anh Dũng cho biết, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh hiện có khoảng 3.100ha (thương phẩm 1.740ha; giống 1.360ha), khoảng 5.682 lồng, bè, với hơn 2.600 hộ nuôi thủy sản ao hầm, 3.566 hộ nuôi lồng, bè, vèo và 1.400 hộ nuôi giống thủy sản các loại. Sản lượng thu hoạch thủy sản trên 600.000 tấn/năm, trong khi hoạt động sản xuất, thuần dưỡng giống thủy sản các loại hơn 6 tỷ con giống/năm.

An Giang có thế mạnh về cá tra

Ngoài đối tượng nuôi chủ lực là cá tra với sản lượng trên 550.000 tấn/năm, An Giang còn nhiều đối tượng nuôi bản địa đa dạng, phong phú, như: Cá điêu hồng, lóc bông, basa, cá hú, cá he, tôm càng xanh, cá rô phi, cá lóc, rô đồng, thát lát, hô, chạch lấu, cá chình, bông lau, cá ét, cá lăng... với sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm. Bên cạnh vùng nuôi tập trung ở các cồn bãi, dọc kênh cấp I và các vùng nuôi cá bè trên sông Tiền, sông Hậu, tỉnh còn phát triển nuôi thủy sản tại hầu hết các huyện, thị xã, thành phố.

“Định hướng đến năm 2025, An Giang phấn đấu trở thành Trung tâm giống thủy sản của vùng ĐBSCL. Tỉnh đã đề xuất Chính phủ phê duyệt Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL tại An Giang giai đoạn 2018 - 2025. Đây là bước đột phá về tổ chức lại sản xuất lĩnh vực giống cá tra chất lượng cao. Mỗi năm, An Giang cung cấp 4,6 tỷ cá tra bột và 1,2 tỷ cá tra giống chất lượng cao cho nhu cầu nuôi cá tra thương phẩm của ĐBSCL” - ông Trần Anh Dũng thông tin.

Nâng cao chất lượng con giống

Thời gian qua, ngành nông nghiệp An Giang thành công trong việc đẩy mạnh sản xuất theo hướng công nghệ cao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất cá tra chất lượng cao và thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án xây dựng vùng nuôi thủy sản tập trung, như: Công ty Cổ phần Cá tra Việt Úc triển khai dự án “Khu sản xuất giống công nghệ cao”, quy mô 100ha; Công ty TNHH MTV Nam Việt Bình Phú đầu tư dự án “Khu sản xuất cá tra 3 cấp chất lượng cao Nam Việt Bình Phú”, quy mô 150ha và dự án “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản Bình Phú”, quy mô 450ha; Công ty TNHH Phát triển Lộc Kim Chi đầu tư dự án “Khu liên hợp sản xuất giống và nuôi cá tra thương phẩm công nghệ cao”, quy mô 350ha (200ha nuôi thương phẩm cá tra và 150ha ương giống; Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn lập dự án đầu tư “Khu sản xuất giống cá tra chất lượng cao”, quy mô 50ha... Trên địa bàn tỉnh hiện có 45 vùng nuôi tập trung quy mô lớn (từ 5ha trở lên); hình thành 4 vùng sản xuất giống tập trung, quy mô lớn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế BAP, GlobalGAP; 10 vùng nuôi đạt chứng nhận tiêu chuẩn ASC/BAP...

Đến nay, An Giang là một trong những tỉnh có thế mạnh về sản xuất giống cá tra và giống thủy sản khác, như: Tôm càng xanh, chạch lấu, lươn, ếch, cá lóc… Từ năm 2006 đến nay, Trung tâm Giống thủy sản An Giang đã nghiên cứu rất nhiều công nghệ và ứng dụng có hiệu quả, như: Công nghệ sinh sản nhân tạo và ương giống cá tra theo tiêu chuẩn GlobalGAP; công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm một số đối tượng, như: Cá lăng nha, cá linh ống, lươn đồng, cá sặc rằn, cá lóc, ếch Thái Lan, cá rô phi đơn tính... Trung tâm Giống thủy sản An Giang hiện là đơn vị độc quyền trong việc sản xuất và cung cấp giống tôm càng xanh theo công nghệ Israel, mỗi năm cung cấp khoảng 30 triệu tôm giống và 1 tỷ ấu trùng tôm càng xanh toàn đực.

Đến nay, An Giang có 9 cơ sở sản xuất giống cá tra, trong đó có 4 doanh nghiệp sản xuất giống quy mô lớn (Việt Úc, Vĩnh Hoàn, Nam Việt, Trung tâm Giống thủy sản). Tổng số cá bố mẹ hiện khoảng 92.946 con (đang sinh sản 32.000 con, còn lại là hậu bị); tổng công suất thiết kế 18 tỷ bột/năm. Diện tích mặt nước ương giống của tỉnh đạt 766ha, với 639 cơ sở ương dưỡng, năng lực cung cấp khoảng 2 - 3 tỷ con cá hương, cá giống/năm.

Trong diện tích 1.224ha mặt nước nuôi thương phẩm của tỉnh (sản lượng 500.000 - 600.000 tấn/năm), có 382,6ha nuôi, 379 ao cá tra cung cấp nguyên liệu xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Ngoài ra, còn có các đối tượng nuôi tiềm năng khác, gồm: Cá lóc, rô phi, điêu hồng, cá nàng hai, sặc rằn, lươn, tôm càng xanh…

Sản lượng thủy sản xuất khẩu hàng năm của An Giang đạt 150.000 tấn, tương đương kim ngạch trên 330 triệu USD; xuất khẩu qua 78 nước. Diện tích đang chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế (ASC, BAP, GlobalGAP, VietGAP) đạt 313,2ha, sản lượng khoảng 200.000 tấn/năm, chiếm 25,6% diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh.


NGÔ CHUẨN