Nâng tầm nông sản An Giang

09/05/2025 - 08:20

 - Hướng đến nền nông nghiệp bền vững, đa giá trị, An Giang hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với cụm ngành công nghiệp chế biến sản phẩm giá trị gia tăng cao - “chìa khóa” để nâng tầm nông sản.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững

Chuyển đổi tư duy

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Hiệp cho biết, “từ năm 2016 đến nay, An Giang chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; cơ cấu lại sản xuất theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn. Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... được quan tâm. Cùng với đó, giữ ổn định diện tích đất trồng, sản lượng lúa (từ 3 - 3,5 triệu tấn/năm), đảm bảo an ninh lương thực.

Tỉnh ứng dụng, đổi mới công nghệ trong sản xuất và chế biến sản phẩm, nâng cao năng lực phát triển sản phẩm giá trị gia tăng phù hợp yêu cầu thị trường trong, ngoài nước. Hỗ trợ các mô hình sản xuất ban đầu (chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản) sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, VietGAHP, cấp mã số vùng trồng. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GAP, HACCP, ISO 2200...) thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

Nhờ vậy, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng 3,6% so năm trước; xuất khẩu đến 60 thị trường khác nhau trên thế giới. Trong đó, Indonesia chiếm trên 59% tổng kim ngạch; Singapore chiếm 6% thị phần. Với mặt hàng rau quả, tỉnh xuất khẩu trên 147.000 tấn, tương đương 74 triệu USD, tăng 19% về kim ngạch. Thị trường chủ yếu là Malaysia, Đài Loan, Ba Lan, Bỉ, Vương quốc Anh... Quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 302 triệu USD; trong đó, gạo xuất khẩu 32.000 tấn, rau quả trên 35.000 tấn, tương đương 21 triệu USD.

Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) nỗ lực nâng tầm nông sản, rau quả An Giang trên thị trường quốc tế. Ông Nguyễn Hoàng Minh (Tổng Giám đốc công ty) cho biết, từ năm 2022, Antesco, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường), Hội Nông dân tỉnh ký kết hợp tác vùng nguyên liệu 10.000ha (bắp non, bắp ngọt và đậu nành rau chiếm 40% diện tích); đầu tư 4 nhà máy chế biến nông sản đông lạnh với đầy đủ hệ thống chất lượng quốc tế, công nghệ thiết bị hiện đại.

Từ đó, mang đến trên 70 sản phẩm rau quả đông lạnh, đóng hộp cao cấp; 75.000 tấn rau quả chế biến thành phẩm/năm; trên 400 tấn nguyên liệu chế biến/ngày; thị trường xuất khẩu trên 40 quốc gia, trên 180 container hàng xuất khẩu/tháng; đứng “tốp 1" Việt Nam về xuất khẩu bắp non, xoài, thanh long, đậu nành rau. Anh Nguyễn Sĩ Tiến (nông dân Hợp tác xã trồng xoài keo huyện An Phú) chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ của Antesco, tôi chuyển từ canh tác truyền thống sang phương pháp GlobalGAP. Thu nhập ổn định hơn, cuộc sống khấm khá hơn, sản phẩm tăng tính cạnh tranh hơn”.

Công ty Antesco đưa nông sản An Giang ra thị trường thế giới

Tăng liên kết sản xuất

Tỉnh còn tạo điều kiện cho DN tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, mong muốn sản phẩm có đầu ra ổn định, nâng tầm nông sản. Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thành lập mới 39 hợp tác xã, tham gia góp vốn, hỗ trợ nhân sự điều hành và kỹ thuật; hỗ trợ thành lập 2 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp; liên kết sản xuất và tiêu thụ 70.000ha lúa, nếp năm 2021; 84.908ha năm 2022; 71.319ha năm 2023; liên kết sản xuất tiêu thụ 113ha xoài Cát Lộc.  Còn Công ty Cổ phần Lương thực A An liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa (hàng hóa) từ vụ thu đông 2023 đến nay, diện tích từ 100ha tăng lên 1.700ha/vụ. Công ty TNHH Ricegowers Singapore PTE (Công ty SunRice) liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa với Hợp tác xã nông nghiệp Tân Quới (xã Long Điền B, huyện Chợ Mới) diện tích 30ha/vụ, tăng dần đến nay 50ha/vụ. Riêng Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường liên kết sản xuất, tiêu thụ xoài Thái, xoài keo và xoài tượng da xanh cho nông dân 200 - 280ha/năm.

Ông Trần Thanh Hiệp cho biết, ngành nông nghiệp và môi trường đang đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính. Để tiếp tục nâng tầm nông sản, An Giang chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nhằm đáp ứng ngày càng cao của thị trường, thông qua ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất chế biến, bảo quản sản phẩm, xây dựng nông sản đặc trưng của địa phương sản xuất sản phẩm OCOP. Chú trọng chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nhằm tăng giá trị sản phẩm cho nông dân. Phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn và chất lượng cao; phát triển bền vững nông nghiệp xanh, sạch hướng tới sản xuất thân thiện với môi trường. Đồng thời, thu hút DN đầu tư, liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm, thị trường; thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa hợp tác xã với DN theo chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, để nông sản của tỉnh tiếp tục được các thị trường lớn và khó tính chấp nhận, nông dân phải nâng cao trình độ canh tác, sản xuất để có hiệu quả tốt nhất, đặc biệt là ý thức tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm. Đối với DN chế biến, cần tăng cường liên kết với nông dân, chủ động nguồn nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

Hiện, tỉnh đang triển khai mạnh mẽ Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh, được DN, người dân hưởng ứng tích cực. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của nông dân, trách nhiệm người sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường, giúp đầu ra sản phẩm ổn định.

HẠNH CHÂU