“Đây là chuyến thăm lịch sử, dấu mốc quan trọng minh chứng tình hữu nghị hai nước”, Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin khẳng định. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng các thành viên trong đoàn cảm động trước sự tiếp đón trọng thị, chu đáo, chân tình của Tổng thống, Chủ tịch Hội đồng quốc gia Liên bang Thụy Sĩ Andreas Aebi và lãnh đạo các địa phương. Dấu ấn thành công tốt đẹp của các hội kiến, hội đàm, cuộc gặp trong không khí nồng thắm, hữu nghị khẳng định thành tựu hai nước suốt nửa thế kỷ, củng cố tình hữu nghị, làm sâu sắc hơn nữa sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực, cũng như chia sẻ những giá trị của toàn cầu, khát vọng chung vì độc lập dân tộc, hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững.
Mối quan hệ Việt Nam-Thụy Sĩ bắt đầu từ năm 1971, khi Việt Nam đang ở thời kỳ chiến tranh cam go. Trải qua thăng trầm của lịch sử, nhịp cầu hữu nghị và hợp tác, học hỏi, tương trợ lẫn nhau không ngừng được vun đắp. Chủ tịch nước nhấn mạnh, sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của Thụy Sĩ trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và xây dựng đất nước ngày nay, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và trân trọng. Nguồn vốn ODA Thụy Sĩ hỗ trợ lên tới hơn 600 triệu USD; lô hàng viện trợ 13 tấn trang thiết bị y tế phòng Covid-19 trị giá 5 triệu USD, vài con số minh chứng cũng cho thấy nghĩa cử tốt đẹp từ đất nước dù xa xôi nhưng giàu lòng nhân ái. Yêu mến Việt Nam, bà Anjuska Weil, Chủ tịch Hội Hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam thời chiến xuống đường phản đối chiến tranh, thời bình thường xuyên quyên góp ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, những mảnh đời nghèo khó, kém may mắn ở Việt Nam. “Đất nước các bạn ngày một phát triển, tôi mừng vui lắm”, bà xúc động.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Guy Parmelin. (Ảnh: TTXVN)
Hai nước ở hai châu lục nhưng có nhiều mục tiêu tương đồng, coi trọng phát triển bền vững và đặt con người là yếu tố trung tâm. Nghèo tài nguyên thiên nhiên, diện tích nhỏ, dân số ít, nhưng Thụy Sĩ trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về chỉ số đổi mới sáng tạo, mức sống cao nhất thế giới, bởi tinh thần tự lực, luôn nỗ lực hết mình. Việt Nam cũng vậy, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu đã tự lực, tự cường vươn lên sau hơn 35 năm đổi mới, có những bước tiến phát triển vượt bậc, nền kinh tế năng động và quy mô lớn. Trong bối cảnh đại dịch và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là đòi hỏi cấp thiết. Với lĩnh vực có thế mạnh, Thụy Sĩ sẵn lòng giúp đỡ. Chia sẻ với Chủ tịch nước trong buổi gặp mặt, từ đáy lòng, nhiều Việt kiều giãi bày tâm niệm mong muốn đem kiến thức, hiểu biết và nhiệt huyết đóng góp cho quê hương phồn thịnh. Tiến sĩ Lưu Vĩnh Toàn, Hội Trí thức, chuyên gia Việt Nam tại Thụy Sĩ trải lòng, lan tỏa tri thức, tạo điều kiện hỗ trợ quê nhà tiếp thu, lĩnh hội tinh hoa khoa học-công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo không đơn thuần là trách nhiệm từ trái tim mà còn là vinh dự. Nghe Tổng thống Guy Parmelin biểu dương người Việt ở Thụy Sĩ cần cù, năng động, sáng tạo và có nhiều đóng góp tích cực; chứng kiến Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) trao danh hiệu Đại sứ trẻ sở hữu trí tuệ của WIPO cho nhóm bạn trẻ người Việt sáng chế mũ Vihelm, Chủ tịch nước bày tỏ sự tự hào. Khi Ý định thư phối hợp Thụy Sĩ trong xây dựng hệ thống phục vụ đổi mới sáng tạo năm 2019 nâng cấp thành Nghị định thư giữa hai nước; tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sẽ càng lan tỏa.
Thương mại song phương tăng trung bình từ 15-20% mỗi năm, các doanh nghiệp Thụy Sĩ ngày càng thấy Việt Nam là đối tác kinh tế hấp dẫn. Qua sự phấn chấn, hồ hởi của các đại biểu tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Thụy Sĩ, có thể cảm nhận được kỳ vọng nắm bắt cơ hội đầu tư mới. Hào hứng chia sẻ về một số dự án chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, đón nhận tin vui Chủ tịch nước và Tổng thống Guy Parmelin nhất trí nỗ lực sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), Tiến sĩ Quy Võ Reinhard, đồng sáng lập, Giám đốc dữ liệu tại HIT Foundation ở Thụy Sĩ cho biết, mong mỏi của các doanh nghiệp bấy lâu đã thành hiện thực, tạo đột phá trong hợp tác, đầu tư.
Thụy Sĩ nổi tiếng với những cảnh quan tuyệt đẹp, đồng hồ hàng hiệu, phô mai và sô-cô-la ngon, dãy núi Alpes quanh năm tuyết phủ trắng xóa và còn được biết đến với “thành phố hòa bình” Geneva, quê hương của những hiệp định với những tòa nhà uy nghiêm là nơi đặt trụ sở của các tổ chức quốc tế. Từng trải qua chiến tranh, mỗi người dân Việt Nam thấm thía giá trị của hòa bình. Với vị thế trung lập, năm 1954, là nước chủ nhà, Thụy Sĩ đã đóng góp tích cực cho việc ký kết thành công Hiệp định Geneva, là cơ sở pháp lý cho quá trình đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước của Việt Nam. Và nay, Geneva là địa chỉ lý tưởng cho các hoạt động trung gian hòa giải, kiến tạo hòa bình. Ấn tượng mạnh với đoàn chúng tôi là chưa có tiền lệ tiếp khách vào ngày chủ nhật nhưng lãnh đạo các tổ chức quốc tế và Chủ tịch Hội đồng bang Geneva đều “phá lệ”, nồng nhiệt tiếp đón Chủ tịch nước.
Các buổi gặp, tiếp xúc thể hiện cao nhất, mạnh mẽ nhất sự ủng hộ của Việt Nam với chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế trong chống đại dịch, phục hồi kinh tế, chung tay giải quyết các vấn đề, thách thức lớn của toàn cầu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, vì thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng. Điều đó cũng được khẳng định trên dòng lưu bút sổ vàng lưu niệm của Chủ tịch nước khi đến thăm trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) tại Geneva “Trên cương vị là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, cũng như là một thành viên LHQ, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp cho các mục tiêu cao cả của LHQ và cam kết tăng cường đóng góp vào các nỗ lực chung của LHQ nhằm thực hiện mục tiêu hòa bình, an ninh phát triển và thúc đẩy quyền con người”. Và sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt thành của các tổ chức quốc tế cho thấy niềm tin về những quyết tâm, thành quả, vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo TUẤN ANH (Báo Nhân Dân)