Nâng tầm vụ lúa thu đông

03/11/2022 - 07:02

 - Vụ lúa thu đông canh tác trong điều kiện thời tiết thuận lợi hơn, năng suất cao hơn và giá bán tốt hơn vụ hè thu. Với điều kiện canh tác lúa quanh năm như An Giang, hoàn toàn có thể đưa vụ đông xuân và thu đông thành 2 vụ sản xuất chính trong năm và giảm dần diện tích lúa để vụ hè thu chuyển sang canh tác rau màu và cây lương thực ngắn ngày.

Hiệu quả hơn

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, với sản lượng hơn 4 triệu tấn lúa/năm, An Giang đứng thứ 2 cả nước về sản lượng lương thực (sau tỉnh Kiên Giang). Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước cho phép tỉnh sản xuất 3 vụ lúa/năm; khung lịch thời vụ xuống giống phù hợp, có sự chia sẻ nguồn nước với các tỉnh hạ lưu sông Cửu Long.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, vụ lúa hè thu canh tác vào mùa mưa bão, chi phí đầu tư cao, dịch bệnh xuất hiện nhiều hơn nhưng năng suất thấp hơn so vụ thu đông và đông xuân. Dù An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, canh tác lúa thu đông trong điều kiện mưa, lũ nhưng nhờ ngành nông nghiệp chủ động giải pháp sản xuất, năm nào cũng thắng lợi cả năng suất và chất lượng, đặc biệt là gạo xuất khẩu từ vụ lúa thu đông được khách hàng đánh giá cao.

“Giải pháp của ngành nông nghiệp là thực hiện tốt hệ thống thủy lợi và đê bao khá vững chắc. Nông dân được khuyến cáo chỉ sản xuất trong 421 tiểu vùng có đê bao thủy lợi kiểm soát lũ an toàn. Ngành nông nghiệp cùng địa phương tổ chức họp bàn, thống nhất với nông dân thực hiện định kỳ xả lũ để tái tạo đồng ruộng” - ông Nguyễn Sĩ Lâm thông tin.

Không chỉ An Giang mà nhiều địa phương ở ĐBSCL ngày càng nhận thấy hiệu quả tốt hơn của vụ lúa thu đông so vụ hè thu. Ở “vựa lúa” Kiên Giang, trong tổng diện tích xuống giống gần 705.000ha năm 2022, vụ đông xuân chiếm 283.000ha, hè thu 281.000ha, thu đông 80.000ha, còn lại là vụ mùa sản xuất luân canh trên nền đất nuôi tôm. Dù diện tích lúa thu đông còn khiêm tốn nhưng nhiều nông dân mong muốn chuyển thành vụ chính.

“Vụ hè thu là thời điểm nhiều mưa, bão, không chỉ tốn nhiều chi phí mà còn là vụ lúa có năng suất, chất lượng thấp nhất. Nhiều năm nay, lũ thường thấp hoặc không có lũ, sản xuất vụ thu đông trong điều kiện thời tiết thuận lợi, chất lượng lúa tốt hơn, bán được giá hơn nên nông dân có lợi nhuận. Nếu cơ cấu lại mùa vụ, chúng tôi sẽ chọn vụ đông xuân và thu đông, bỏ vụ hè thu vì không hiệu quả” - nông dân Nguyễn Văn Tiên (ấp Kênh 5B, xã Tân An, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, canh tác được 6 vụ lúa thu đông) chia sẻ.

Có thể chuyển thành vụ chính

Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp Phan Minh đang đầu tư cánh đồng sản xuất gần 600ha lúa ở vùng Tứ giác Long Xuyên. Do chưa có hệ thống đê bao hoàn chỉnh, công ty chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm, gồm: Đông xuân và hè thu. “Do ảnh hưởng mưa bão, lúa hè thu dễ đổ ngã, thu hoạch thất thoát, hiệu quả không cao. Việc dịch chuyển dần diện tích lúa hè thu sang thu đông phù hợp với điều kiện thời tiết hiện nay, thuận lợi sản xuất. Tuy nhiên, việc chuyển đổi đòi hỏi phải đi kèm với các điều kiện đầu tư về hệ thống đê bao, cơ cấu lại mùa vụ của ngành nông nghiệp để xuống giống tập trung, phòng ngừa lây lan dịch bệnh. Diện tích chuyển dịch của một vùng phải đủ lớn để áp dụng các biện pháp kỹ thuật đồng bộ, cơ giới hóa, đáp ứng được sản lượng, chất lượng gạo theo đặt hàng của doanh nghiệp xuất khẩu” - Giám đốc Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp Phan Minh Nguyễn Trung Tín đánh giá.

Hợp tác xã (HTX) Vĩnh Cường (ấp An Thành, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) là một trong những HTX lớn nhất ĐBSCL, với 5.000 thành viên, diện tích sản xuất hơn 20.000ha. Giám đốc HTX Vĩnh Cường Trịnh Văn Cường cho biết, vụ lúa hè thu vừa qua, năng suất lúa trung bình chưa tới 5 tấn/ha, trong khi vụ thu đông đang sản xuất, điều kiện canh tác thuận lợi, khả năng đạt từ 6 tấn/ha trở lên. “Ngoài năng suất cao hơn, vụ thu đông thường thu hoạch cận Tết nên giá lúa ổn định, nông dân có tiền trang trải dịp Tết và tái đầu tư vụ đông xuân. Những năm gần đây, nông dân sản xuất vụ lúa hè thu chỉ cầm chừng hòa vốn hoặc lãi rất ít, chỉ trông chờ vào vụ lúa thu đông và đông xuân mới có lợi nhuận” - ông Cường thông tin.

Trong khi nhiều tỉnh khác còn ngán ngại sản xuất vụ thu đông do thiếu đê bao đồng bộ thì tại An Giang, vụ thu đông có thể tổ chức sản xuất 193.410ha trong hệ thống tiểu vùng có đê bao kiểm soát lũ triệt để. Dù biết vụ hè thu kém hiệu quả nhưng tỉnh cũng không thể ngưng sản xuất. Theo Sở NN&PTNT, để đảm bảo nhiệm vụ an ninh lương thực, tỉnh phải bố trí sản xuất từ 550.000-600.000ha lúa/năm. Nếu sản xuất tối đa hết diện tích vụ đông xuân và thu đông, chỉ đạt 378.000ha. Như vậy, vụ hè thu vẫn phải bố trí sản xuất ít nhất 172.000ha mới đảm bảo chỉ tiêu an ninh lương thực.

Vụ đông xuân 2021-2022, toàn tỉnh xuống giống 229.773ha lúa, năng suất gần 7,34 tấn/ha, sản lượng gần 1,69 triệu tấn; vụ hè thu 2022 xuống giống 221.055ha, năng suất hơn 6,07 tấn/ha, sản lượng hơn 1,34 triệu tấn. Đối với vụ thu đông 2022, xuống giống 154.686ha, dự kiến thu hoạch dứt điểm ngày 20/12/2022, năng suất lúa bình quân 6,21 tấn/ha, sản lượng ước đạt 960.232 tấn.

“Qua nhiều năm theo dõi tình hình sản xuất, vụ thu đông thường cho năng suất cao và ổn định hơn vụ hè thu; thời điểm thu hoạch vào quý IV, giá cả cũng khá hơn. Việc đưa vụ thu đông lên thành vụ sản xuất chính là hoàn toàn có thể thực hiện” - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trương Kiến Thọ đánh giá.

 

NGÔ CHUẨN