Ngành hàng thủy sản tập trung phục hồi sản xuất

20/10/2021 - 05:38

 - Những ngày qua, cùng với các ngành nghề khác trong xã hội, trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, doanh nghiệp (DN), nông dân trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh thả giống vào ao, tiến tới phục hồi sản xuất, chuẩn bị giai đoạn phát triển mới.

Tập đoàn Nam Việt chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới bằng việc chủ động về con giống để nuôi thương phẩm

Vượt khó vươn lên

Từ nuôi con bột đến cá thương phẩm, tất cả nông dân, DN tham gia vào chuỗi sản xuất cá tra đều đã khởi động trở lại. Người thì dọn ao, chuẩn bị thả cá giống; người thì nuôi thúc đàn cá bố mẹ để chuẩn bị cho chu kỳ sinh sản mới.  Gia đình ông Trần Văn Xám (xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) đã có 20 năm làm nghề nuôi cá giống. Sau khi tỉnh có chủ trương mở cửa nền kinh tế, khôi phục lại các hoạt động sản xuất - kinh doanh, vợ chồng ông đã trở lại nông trại.

“Tỉnh chủ trương thích ứng với dịch COVID-19, mở cửa nền kinh tế trở lại, tôi rất vui mừng. Để chuẩn bị cho quá trình sản xuất, tôi đã thả cá bột xuống ao, cung ứng cá giống ra thị trường, khởi đầu thời kỳ làm ăn mới được dự báo rất khó khăn. Giá thức ăn đang ở mức cao, nghề nuôi cá giống cần đến 70% vốn dành cho khâu này, trong khi nguồn vốn giờ đã cạn” - ông Xám trần tình.

Ngoài vốn, nghề nuôi cá giống đang ngổn ngang trăm bề. Cá tra thương phẩm đang ở mức thấp, con giống chưa có động thái tăng. Theo dự báo, sắp tới thị trường sẽ rất cần con giống, vì 2 năm qua, nhiều người đã rời nghề do thua lỗ, tạo cho thị trường một khoảng trống thiếu hụt. Khó khăn là vậy nhưng các DN, nông dân trong tỉnh đã khởi động cho giai đoạn làm ăn mới một cách khẩn trương.

Phục hồi sản xuất trong bối cảnh khó khăn, nhưng với nhận định “trong nguy có cơ”, DN, nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn khởi động lại thời kỳ làm ăn mới, tiếp tục đưa sản phẩm cá tra đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng toàn cầu.

Không chỉ cá tra, các đối tượng nuôi khác như: lươn, ếch, cá điêu hồng, cá lóc, cá rô… cũng đang gặp khó vì giá thức ăn tăng cao. Dịch bệnh đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, dịch vụ nên nông dân đang nối lại sản xuất, thị trường với nỗ lực rất lớn.

Phát huy thế mạnh

Thời hoàng kim của con cá tra được xác định từ năm 2018, khi kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 2,2 tỷ USD. Lần thứ 3 trong hơn 20 năm phát triển, người nuôi cá tra và DN có được lợi nhuận tốt, thắp lại hy vọng với ngành hàng tiềm năng này. Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau, giá cá tra lại rớt xuống thấp...

Khơi lại thế mạnh, tiềm năng của một ngành hàng có giá trị kinh tế lớn là việc cần làm, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh xảy ra gần 2 năm qua. Thực tế hơn 20 năm phát triển cho thấy, ngành hàng cá tra có lợi thế so sánh tuyệt đối so với các sản phẩm khác, như: lúa gạo, trái cây. Diện tích nuôi toàn vùng ĐBSCL 5.200ha nhưng xuất khẩu đạt 2,2 tỷ USD (năm 2018). Những năm qua, các quốc gia trên thế giới, như: Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan… bắt tay nghiên cứu nuôi cá tra với mong muốn vươn lên dẫn đầu ngành hàng này trên thế giới. Tuy nhiên, về thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước, kinh nghiệm… chưa thể có lợi thế bằng ĐBSCL.

“Tôi nghĩ, lúc họ sản xuất chưa mạnh, Việt Nam phải nhanh chóng tận dụng cơ hội để sản xuất, xuất khẩu. Khi họ đã mạnh lên, chúng ta chuyển sang sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, nghiên cứu các sản phẩm mang tính chiều sâu thì sẽ tồn tại và phát triển bền vững” - Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới nhận định.

Ngoài ngành hàng cá tra, các đối tượng thủy sản khác đã khởi động trở lại. Nếu ở huyện Châu Phú, nông dân xã Bình Chánh, thị trấn Vĩnh Thạnh Trung đẩy mạnh nuôi cá lóc giống để cung cấp cho thị trường thì ở huyện Phú Tân, nông dân xã Hòa Lạc, Bình Thạnh Đông đẩy mạnh nuôi cá thát lát cườm để phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Tại xã Tân An, Phú Lộc, Tân Thạnh (TX. Tân Châu), nông dân đẩy mạnh nuôi lươn cung ứng cho chợ đầu mối TP. Hồ Chí Minh và tiêu thụ ở thị trường ĐBSCL.

Trên cơ sở xác định thế mạnh, tiềm năng của mình, từng địa phương đang hướng dẫn nông dân, DN khởi động chuyện làm ăn trở lại, nhanh chóng nắm bắt thị trường, tháo gỡ khó khăn để phát triển sau dịch. Nông dân, DN hiện đang cùng nhau đi vào con đường làm ăn hợp tác để hướng đến phát triển bền vững.

Lúc này, những người tham gia ngành hàng cá tra đang rất cần sự “chia sẻ” của các ngân hàng thương mại trên địa bàn, như: giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, gia hạn nợ cho những món vay bị rủi ro do dịch; tái cho vay trên dự án, vùng nuôi. Sự chia sẻ của ngành ngân hàng trong lúc này phải thiết thực, cụ thể, nguồn vốn mà các ngân hàng dành cho chu kỳ phát triển mới phải thực sự dễ tiếp cận, giúp nông dân, DN phục hồi và phát triển.

MINH HIỂN

“Chúng tôi sẽ nhanh chóng khởi động lại việc sản xuất của các nhà máy, nỗ lực nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng đơn hàng khoảng 20.000 tấn cá thành phẩm, cung cấp cho các đối tác nhập khẩu trên thế giới. Các nhà nhập khẩu chuẩn bị hàng cho mùa lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch. Tập đoàn đang thu tuyển khoảng 3.000 công nhân vào làm việc để góp phần giảm bớt gánh nặng an sinh xã hội” - ông Doãn Tới chia sẻ.