Ngành nông nghiệp An Giang đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế

15/12/2022 - 07:12

 - Năm 2022, ngành nông nghiệp An Giang có nhiều nỗ lực khi tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16% (chỉ tiêu tăng 2,7%), đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6,87% của tỉnh (kế hoạch tăng 5,2%). Đó là động lực để ngành tiếp tục tăng tốc năm 2023 - năm có ý nghĩa bước ngoặt quan trọng.

Tăng diện tích cây ăn trái, đàn vật nuôi

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, năm 2022, sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh tiếp tục duy trì ổn định, tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế. Tỉnh đẩy mạnh sản xuất quy mô lớn theo hợp đồng với các tập đoàn, doanh nghiệp (DN), đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Toàn ngành nông nghiệp tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ thông tin, giúp nâng cao năng lực sản xuất theo hướng chuyên sâu, bền vững. Toàn tỉnh có thêm 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh ước đạt 94%.

Chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân 2022-2023

Ước cả năm 2022, toàn tỉnh thu hoạch hơn 3,9 triệu tấn lúa, năng suất bình quân đạt 6,5 tấn/ha. Tuy sản lượng lúa giảm, nhưng các địa phương tăng diện tích giống lúa chất lượng (như: Đài Thơm, lúa Nhật, DS1, Nàng Hoa, Jasmines...) thay cho lúa thường.

Đối với hoa màu, ước sản lượng thu hoạch cả năm 2022 đạt 700.000 tấn, tương đương năm 2021; năng suất duy trì ổn định khoảng 22 tấn/ha. Với cây lâu năm, sản lượng thu hoạch năm 2022 đạt khoảng 269.000 tấn, tăng gần 10% so năm 2021. Trong đó, sản lượng xoài, cam, chanh, quýt, bưởi... đều tăng so cùng kỳ.

Năm 2022, tình hình chăn nuôi tương đối ổn định, tăng trưởng nhẹ so năm 2021. Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tiếp tục được kiểm soát tốt, tạo yên tâm cho người chăn nuôi. Toàn tỉnh hiện có khoảng 70.500 con heo thịt, tăng 18,2% (tương đương 10.800 con) so năm 2021; sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng đạt gần 12.400 tấn, tăng 2.700 tấn. Đàn trâu, bò hiện có khoảng 68.700 con, tăng 2,6% (1.700 con), chủ yếu là đàn bò (hiện có 66.700 con, tăng 1.700 con). Đàn gia cầm hiện có khoảng 5,9 triệu con, tăng 28,9% (tăng 1,35 triệu con).

Sản lượng trái cây tăng

Năm 2022, tỉnh tiếp tục tập trung công tác phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ rừng và gieo ươm chuẩn bị cây giống lâm nghiệp để triển khai trồng theo kế hoạch. Diện tích rừng trồng mới đạt khoảng 76ha; tổng sản lượng gỗ khai thác năm 2022 đạt hơn 34.000m3, sản lượng củi ước đạt gần 270.000 ster, tương đương năm 2021.

Thế mạnh thủy sản

Năm 2022, giá bán cá tra nguyên liệu tăng mạnh và duy trì ổn định từ 27.000-32.000 đồng/kg (tăng 6.000-10.000 đồng/kg so năm 2021), tạo lợi nhuận khá cho người nuôi. Hiện nay, diện tích nuôi trồng hầu hết là vùng nuôi của DN, có chu trình sản xuất khép kín, quy mô lớn.

Ước tổng sản lượng thu hoạch các loại thủy sản năm 2022 đạt 542.000 tấn, tăng 6,35% (tương đương 32.600 tấn) so năm 2021. Trong đó, sản lượng cá tra đạt gần 439.000 tấn, tăng 30.000 tấn; sản lượng cá lóc đạt 31.700 tấn, tăng 1.400 tấn; sản lượng con giống cá tra đạt hơn 2 tỷ con, tăng 10,3% (tương đương 183 triệu con).

Phát huy kết quả năm 2022, bước sang năm 2023, tỉnh tiếp tục tập trung triển khai Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh; Chương trình hành động 06-CTr/TU, ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện xây dựng xã điểm nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; đào tạo, tập huấn về nâng cao năng lực thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cho cán bộ quản lý và chủ thể sản xuất tại các huyện, thị xã, thành phố.

Phát huy hiệu quả từ giai đoạn ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, An Giang tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp huyện, xã. Đồng thời, xây dựng cổng, kênh cung cấp thông tin và dự báo thị trường nông sản tới các cấp, ngành, UBND cấp huyện, DN, hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm định hướng sản xuất, tiêu thụ nông sản để kịp thời điều phối, kết nối tiêu thụ nông sản cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong nước.

Năm 2023, ngành nông nghiệp tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, tổ chức triển khai tốt công tác bảo vệ thực vật, chăn nuôi và thú y trên địa bàn tỉnh; phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn và thiên tai. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện và nhân rộng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình “Cánh đồng lớn”, gắn với thực hiện mô hình kinh tế hợp tác của hợp tác xã kiểu mới, liên kết từ cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra trong sản xuất và cung cấp các dịch vụ khác. An Giang tiếp tục hỗ trợ DN và hợp tác xã thực hiện mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, rau màu, cây ăn trái, đàn gia súc, gia cầm… trên địa bàn tỉnh.

Năm 2023, ngành nông nghiệp An Giang tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu, kết hợp đầu tư nhà máy sơ chế, kho bảo quản, tồn trữ sản phẩm gần vùng nguyên liệu.

 

NGÔ CHUẨN