Nghề làm ngư cụ vào vụ mùa sản xuất

10/09/2020 - 05:13

 - Mùa nước nổi hàng năm là thời điểm các cơ sở sản xuất ngư cụ trên địa bàn tỉnh An Giang bắt đầu vào vụ mùa. Tuy sản lượng tăng, giảm tùy theo diễn biến của con nước, nhưng các nghề này đã góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

“Ăn theo” con nước

Khi nước tháng 5 (âm lịch) mang theo phù sa “tưới mát” những cánh đồng, mang theo nguồn lợi thủy sản phong phú, dồi dào từ thượng nguồn xuống vùng đồng bằng thì các làng nghề, cơ sở sản xuất ngư cụ trên địa bàn tỉnh tất bật với việc sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Những ngày này, về ấp Cần Thới (xã Cần Đăng, Châu Thành) dễ dàng nhận thấy không khí nhộn nhịp, hối hả của bà con làng nghề làm lọp lươn nơi đây. Nghề này được hình thành và phát triển cách đây trên 30 năm. Sản phẩm ở đây nổi tiếng bởi mẫu mã đẹp và chất lượng luôn được đảm bảo nên không chỉ người dân trong tỉnh mà người dân ở những địa phương khác như: Hậu Giang, Sóc Trăng, TP. Cần Thơ… đều biết đến.

Anh Nguyễn Hoàng Sơn (một trong những người có thâm niên trong nghề) cho biết, nghề làm lọp lươn hoạt động quanh năm, nhưng tất bật và nhộn nhịp nhất là thời điểm từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm. “Nếu ngày thường, trung bình 1 ngày nhà tôi bán 100 cái thì vào thời điểm này, số lượng tiêu thụ tăng gấp đôi” - anh Sơn chia sẻ.

Nghề làm lưới 3 màng ở Châu Phú đang gặp khó khăn do khó bán qua thị trường Campuchia

Có được chỗ đứng trên thị trường như hiện nay, các hộ trong làng nghề từ lâu đã không chạy theo số lượng mà tập trung nâng cao chất lượng cho từng sản phẩm. Để tạo ra 1 chiếc lọp lươn hoàn chỉnh, cây tre trải qua nhiều công đoạn khác nhau như: chẻ tre, vót rẽ, bện hom… Những công đoạn này thường được các chủ cơ sở thuê lại để tăng số lượng thành phẩm làm ra.

Đặc biệt, các công đoạn này ai cũng có thể thực hiện được, nhiều em học sinh sau thời gian đến trường, tranh thủ phụ giúp thêm cha mẹ để tăng thêm thu nhập. Với các công việc này, bình quân mỗi lao động được trả thù lao từ 70.000-200.000 đồng/người/ngày.

Mỗi chiếc lọp lươn, anh Sơn bán lại cho thương lái giá 28.000 đồng/cái. Bên cạnh sản phẩm làm từ chất liệu tre, anh Sơn cùng các hộ trong làng nghề còn phát triển thêm sản phẩm làm từ ống nhựa PVC. Mặc dù có giá thành tương đối cao (khoảng 30.000 đồng/cái) nhưng lọp làm từ ống nhựa thời gian sử dụng lâu hơn, dễ dàng thay thế “phụ kiện” khi bị hư hỏng trong quá trình sử dụng hơn so với lọp làm bằng tre.

Khó khăn do dịch bệnh

Cũng như nhiều nghề sản xuất ngư cụ khác trong tỉnh, nghề làm lưới 3 màng ở ấp Mỹ Thành (xã Mỹ Đức, Châu Phú) bắt đầu vào vụ cao điểm sản xuất cách đây khoảng 2 tháng. Chú Lê Văn Vy (còn gọi là chú Sáu Vy), một trong những hộ có thâm niên trong sản xuất lưới 3 màng tại địa phương cho biết, nghề này chủ yếu “ăn” theo con nước, sản lượng làm ra nhiều hay ít tùy theo mực nước hàng năm. “Nước lớn, lưới tiêu thụ được nhiều, năm nào nước thấp thì tiêu thụ ít hơn. Nghề này là như vậy, dù bấp bênh nhưng vẫn có thể bám nghề sống được” - chú Sáu Vy chia sẻ.

Nghề làm lọp lươn hoạt động quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là thời điểm mùa nước nổi

Nghề làm lưới 3 màng xuất hiện cách đây trên 30 năm. Hiện nay, ở địa phương còn 3 hộ làm lưới 3 màng, với sự tham gia của khoảng 20 lao động. Theo chú Sáu Vy, gọi là lưới 3 màng là do được cấu tạo từ 3 lớp lưới, tùy theo kích cỡ từng loại lưới sẽ đánh bắt các loại cá khác nhau. Sản phẩm ở đây có tiếng về chất lượng nên được nhiều bạn hàng trong tỉnh và một số địa phương tỉnh bạn như: Tân Hồng, Hồng Ngự (Đồng Tháp); Long An… biết đến. Đặc biệt, mặt hàng này còn được tiêu thụ mạnh ở thị trường nước bạn Campuchia.

Tuy nhiên, hiện nay việc kinh doanh lưới 3 màng của chú Sáu Vy gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. “Do ảnh hưởng dịch bệnh, sản phẩm không bán được qua thị trường Campuchia nên sức tiêu thụ giảm đáng kể. Hy vọng thời gian tới tình hình dịch bệnh lắng xuống để việc kinh doanh bình thường trở lại” - chú Sáu Vy thông tin.

Việc sản xuất ngư cụ đánh bắt cá không những giúp các chủ cơ sở “ăn nên làm ra”, mà còn giúp lao động tại địa phương có thêm thu nhập trong lúc nông nhàn. Tuy nhiên, nhiều cơ sở, hộ kinh doanh, làng nghề sản xuất ngư cụ đang gặp khó khăn về vốn, nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Người dân mong muốn ngành chức năng có những giải pháp hỗ trợ thiết thực để các cơ sở vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.

ĐỨC TOÀN

 

Liên kết hữu ích