Nghề trồng bông trang

04/12/2023 - 06:49

 - Nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, nhiều nông dân lựa chọn cây bông trang phát triển kinh tế. Dễ trồng, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, loại cây kiểng này mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Những tác phẩm nghệ thuật độc đáo từ bông trang của anh Nghiệp

Đến thăm vườn bông trang của gia đình anh Dương Hữu Trí (thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), nhiều người không khỏi choáng ngợp trước hàng trăm cây hoa đang khoe sắc. Mỗi cây là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, được chăm chút, uốn tỉa từ bàn tay tài hoa, tinh tế của nghệ nhân. Anh Trí cho biết đang sở hữu nhiều loại giống khác nhau, như: Trung Quốc, Mỹ, Pháp…

Bông trang dễ trồng, có thể tự cắt hoặc chiết cành nhân giống một cách đơn giản. Tuy nhiên, đối với mẫu đơn lai, quá trình nhân giống mất nhiều thời gian, công sức hơn. “Để nhân giống cây hoa lai, cần lựa chọn cành có 3 cặp lá trở lên. Những cành cây được ngâm trong thuốc kích rễ, trồng vào giá thể (gồm xơ dừa và sình non). Cành chiết sau khi xử lý, để trong nhà kín khoảng 30 ngày là có thể trồng xuống đất. Trước khi trồng, nên để trong mát vài ngày để cây quen với môi trường” - anh Trí chia sẻ.

Một trong những ưu điểm khác của cây bông trang là nhẹ công chăm sóc, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư không đáng kể. Loại hoa kiểng này càng trồng lâu năm thì giá càng cao. Trong quá trình chăm sóc, anh Trí cắt tỉa, tạo dáng thành tác phẩm bắt mắt. Loại tầm trung từ 5 - 10 triệu đồng/cây, loại khá dao động 20 triệu đồng/cây.

Cũng giống như anh Dương Hữu Trí, ông Nguyễn Văn Ân (ấp Phú Bình) lựa chọn cây bông trang để phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, vườn bông trang của ông có khoảng 400 cây đủ loại kích thước, sắc màu. Có niềm đam mê, yêu thích hoa kiểng từ lâu, khi hộ nông dân lân cận chuyển dần đất ruộng, vườn tạp sang trồng cây ăn trái thì ông bắt đầu trồng bông trang kiểng.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm trồng bông trang, ông Ân cho biết, để cây bông trang có thể bán trên thị trường, phải mất ít nhất 3 năm. Quan trọng là đảm bảo tưới đủ nước, bón phân sinh học, xử lý chồi lớn đều sẽ ra bông nhiều, đồng thời thường xuyên cắt tỉa để cây giữ được bộ khung đẹp.

Hiện nay, vườn bông trang của ông Ân có nhiều loại, với 2 màu chủ yếu (vàng và đỏ). Bên cạnh đó, ông còn trồng thêm bông trang Thái, lá xoắn, lá tròn, bông màu tím sen, màu cam, màu trắng... có mùi thơm nhẹ, đẹp, lâu tàn. Giá mỗi cây từ vài trăm ngàn đồng đến hàng triệu đồng.

"Bông trang có thể bán quanh năm, nhưng chủ yếu là thị trường Tết Nguyên đán. Từ tháng 9, tôi cắt hết bông, tỉa cành để cây đâm tược nhiều. Nhờ sức chống chịu tốt nên loại hoa kiểng này không cần lo ngại về thời tiết” - ông Ân chia sẻ.

Không nhân giống trực tiếp như anh Dương Hữu Trí, hay ông Nguyễn Văn Ân, anh Nguyễn Thanh Nghiệp (phường Long Phú, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) chọn cắt tỉa, tạo dáng cho chúng thành những tác phẩm nghệ thuật vô cùng độc đáo. Trước hết, anh chọn mua cây bông trang khỏe mạnh. Tiếp theo, dựa vào dáng cây và sự sáng tạo, anh Nghiệp bắt đầu tạo khung. Khung được làm bằng thanh kẽm, được kết nối với nhau bằng dây rút nhựa. Sau khi hoàn chỉnh phần khung, những cây bông trang được chăm sóc cẩn thận, chu đáo để thân, lá phát triển. Tiếp đến, anh cắt tỉa thân, lá theo phần khung được tạo dáng. Công việc được tiếp tục cho đến khi tác phẩm nghệ thuật bằng bông trang được hình thành.

Những tác phẩm từ bông trang của anh Nghiệp rất đa dạng, phong phú, từ tượng Phật, Bồ Tát, cặp trâu, chim công, thuyền buồm… Giá thấp nhất 8 triệu đồng/cặp, cao thì đến vài chục triệu đồng. “Hiện nay, gia đình tôi chủ yếu mua bông trang từ nhà vườn trong và ngoài địa phương. Thời gian tới, nếu nhu cầu của khách hàng tăng cao, gia đình tôi sẽ tự trồng bông trang, để có sẵn nguyên liệu cho việc tạo mô hình mới” - anh Nghiệp chia sẻ.

MINH ĐỨC