Nghị lực của những người con núi rừng

11/12/2023 - 10:00

Dù hoàn cảnh gia đình, điều kiện học tập còn rất nhiều khó khăn, nhưng nữ sinh dân tộc Rục đầu tiên trúng tuyển đại học Cao Thị Lệ Hằng và nam sinh thủ khoa đại học người Hrê Phạm Quốc Toản đều có chung mơ ước: trở thành giáo viên, mang kiến thức về “trồng người” cho buôn làng.


Nữ sinh người Rục đầu tiên đỗ đại học Cao Thị Lệ Hằng và thủ khoa người Hrê Phạm Quốc Toản. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo miền núi Krầy (xã Ba Tiêu, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi), lại là con trai lớn trong nhà, cho nên Phạm Quốc Toản được gia đình lên kế hoạch công việc “suốt đời” ngay sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông: lái xe chở keo thuê, bởi ở buôn, có một suy nghĩ đã ăn sâu vào nếp sống người dân, đó là cứ chịu khó làm nương, làm rẫy rồi “kiểu gì cũng đủ ăn”.

Vì thế, sau mỗi buổi sáng vượt 30km đường rừng cả đi lẫn về đến Trường trung học phổ thông Phạm Kiệt (xã Ba Vì, huyện Ba Tơ), chàng trai có thân hình mảnh khảnh lại cùng bố mẹ lên nương, chở keo về bán. Công việc nặng nhọc, có lúc kéo dài đến đêm, cho nên nhiều lúc Toản cũng không còn thời gian để làm bài tập, ôn luyện thêm. Tuy nhiên, không vì vậy mà Toản chểnh mảng học hành. Trái lại, cậu thường tập trung hoàn thành bài được giao trước khi về nhà. Không có nhiều thời gian, Toản chọn phương châm đọc đến đâu nắm vững đến đó, thay vì “học gạo”.

Năm lớp 12, Toản đặt mục tiêu “thử 100% sức một lần” trong kỳ thi xét tuyển đại học, từ bỏ con đường “học lái xe, đi chở keo thuê”. Và kết quả là Toản thi đỗ Khoa Sư phạm lịch sử của Trường đại học Quy Nhơn trong sự hân hoan của gia đình và niềm tự hào của đồng bào Hrê ở buôn làng. Bất ngờ nhất là mãi tới khi nhập học, Toản mới biết mình là thủ khoa đầu vào với tổng điểm 27,78.

“Khi hay tin tôi đỗ đại học, bố tôi chỉ cười chứ không tỏ ra vui mừng. Đến khi biết tôi là thủ khoa, bố mới tin tưởng hơn vào con đường tôi chọn. Đây là áp lực không nhỏ, nhưng cũng là động lực lớn đối với một tân sinh viên có gia đình ở nơi xa xôi như tôi. Tôi ước mơ sẽ trở thành thầy giáo, mang kiến thức về “trồng” lên không chỉ những cây keo mà còn cả thế hệ tương lai của buôn làng, đất nước”, Phạm Quốc Toản nói.

Cũng là một người con của núi rừng và có chung ước mơ “gieo chữ” trên rẻo cao, Cao Thị Lệ Hằng vừa qua đã trở thành nữ sinh dân tộc Rục đầu tiên trúng tuyển đại học ở nước ta.

Hoàn cảnh gia đình của Lệ Hằng, mọi người dân ở bản Mò O Ồ Ồ (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) đều biết rõ. Cả bản có gần 80 hộ dân, đều là đồng bào người Rục, nhưng gia đình Hằng lại nằm trong diện hộ nghèo. Bố Hằng mất sớm từ khi cô lên 1 tuổi, cho nên tất cả mọi gánh nặng trong nhà đều nằm trên đôi vai bà Hồ Thị Pấy, mẹ của Hằng.

Từ nhỏ, cô gái sinh năm 2004 đã quen với việc lên rẫy giúp mẹ làm nương, kiếm sống. Có những lúc, cuộc sống khó khăn tưởng chừng đã đặt dấu chấm hết cho hành trình chinh phục con chữ của cô. Thế nhưng, thấy con gái quá ham học, bà Pấy lại không đành lòng. Người phụ nữ Rục nhỏ bé với làn da sạm nắng lại âm thầm tìm cách kiếm thêm đồng ra đồng vào để con tiếp tục đến trường. Thương mẹ, Lệ Hằng luôn nỗ lực đạt thành tích cao trong học tập, là tấm gương của bạn bè đồng trang lứa và các em nhỏ trong bản.

Với tổng điểm 25,5 trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, Lệ Hằng trở thành người Rục đầu tiên đỗ đại học. Đối với người dân xã Thượng Hóa nói chung và bản Mò O Ồ Ồ nói riêng, từ trước đến nay, số học sinh ở bản hoàn thành chương trình trung học phổ thông cũng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Vậy nên, việc “con gái lớn nhà bà Pấy” đỗ đại học chính là niềm hân hoan của cả cộng đồng.

Điều ước bước đầu trở thành hiện thực, nhưng nữ sinh người Rục vẫn canh cánh nỗi lo về việc mình đi học xa, để mẹ già ở nhà một mình xoay xở với đàn em thơ. Vì vậy, Cao Thị Lệ Hằng đã quyết định nhập học tại Trường đại học Quảng Bình, thay vì Đại học Huế theo nguyện vọng xét tuyển ban đầu. “Sau khi thi đỗ, tôi luôn ý thức về những khó khăn chờ đợi phía trước. Vì vậy, tôi sẽ nỗ lực hết sức để đạt kết quả tốt nhất, mai này mang kiến thức về bản, dạy dỗ các thế hệ măng non người Rục”, Lệ Hằng chia sẻ.

Theo LINH PHAN (Nhân dân)