Ngóng lũ!

11/10/2021 - 05:05

 - Sau nhiều ngày mong đợi, người dân các xã Phú Hữu, Vĩnh Hậu, Nhơn Hội, Phú Hội… của huyện đầu nguồn An Phú (tỉnh An Giang) vui mừng khi nước lũ tràn đồng. Lũ về không chỉ giúp tháo chua, rửa phèn, tưới mát phù sa cho ruộng đồng sau vụ canh tác mà còn mang lại nguồn lợi thủy sản thiên nhiên cho cư dân. Tuy nhiên, do lũ còn kém, ít cá, tôm và ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên việc khai thác còn rất hạn chế.

Người dân Phú Hữu cất vó để đánh bắt thủy sản mùa nước nổi

Trời tờ mờ sáng, tại khu vực ngã tư cầu Bắc Cỏ Lau (xã Phú Hữu), xuất hiện hình ảnh những chiếc xuồng nhỏ đang khai thác và đánh bắt thủy sản, vốn đã quen thuộc với người dân nơi đây mỗi khi lũ về. Ông Trần Văn Xà (ngụ ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu) cho biết, hơn 10 năm làm nghề đặt dớn mưu sinh mùa nước nổi, năm nay ông cũng kịp sắm mới 4 cái lú có mắc lưới thưa, với chi phí gần 20 triệu đồng. Nhưng nước lũ năm nay về trễ, cá ít, nên thu nhập chẳng được bao nhiêu.

“Những năm gần đây, nước lũ nhỏ, về trễ nhưng rút nhanh nên cá không có nhiều. Mấy bữa nay, con nước “nhảy mạnh” thì kiếm được nhiều cá một chút và bán được vài trăm ngàn đồng; còn nước “không nhảy” thì cá chỉ đủ ăn, có khi còn thiếu” - ông Xà trải lòng.

Chuyên mưu sinh bằng nghề đặt lọp tôm mỗi khi lũ về, anh Nguyễn Phước Thành (ngụ ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu) cho biết, năm nay, anh đã tự làm 150 cái lọp, với chi phí bình quân mỗi cái khoảng 50.000 đồng. Hiện, nước chưa lên đồng nhiều, anh chủ yếu đặt theo các tuyến kênh, rạch trên địa bàn xã, mỗi ngày được khoảng 1,5-2kg tôm sông, bán được khoảng 200.000 đồng nên có thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, theo anh Thành, năm nay lượng tôm về các kênh, rạch không nhiều so với mọi năm. Mặt khác, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 phức tạp như hiện nay nên giá cả các loại thủy sản tự nhiên giảm so với trước.

Đối với ông Huỳnh Văn Đằng, cứ mỗi khi nước lũ bắt đầu về, vợ chồng ông dựng lều trại tạm bợ tại chân cầu Bắc Cỏ Lau (xã Phú Hữu) để mưu sinh bằng nghề cất vó đánh bắt cá. Nếu như vào thời điểm này của các năm trước thì số lượng cá rất dồi dào và nhiều chủng loại, đặc biệt các loại có giá trị kinh tế cao, như: cá leo, cá cóc, tôm… với trọng lượng lớn, thu nhập khá. Tuy nhiên, năm nay nước nhỏ, cá rất ít, chủ yếu bắt được cá lăng, cá linh, cá rô, giá cả bấp bênh nên thu nhập chẳng là bao. “Cá linh là đặc sản đầu mùa lũ mà năm nay cũng khó kiếm. Do dịch bệnh nên ít người đánh bắt. Hơn nữa, ai cũng sợ dịch bệnh, ngại ra đường, nên không khí mua bán lèo tèo dữ lắm” - ông Đằng nói.

Không chỉ phụ thuộc vào con cá, con tôm để có thêm thu nhập từ mùa lũ mà người dân nơi đây còn kiếm ra tiền từ sản vật gắn liền với miền sông nước, như rau muống, bông điên điển, bông súng… Điển hình như: bà Lê Thị Em (ngụ ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu), dù năm nay đã 80 tuổi, nhưng với chiếc xuồng nhỏ, bà đã rong ruổi trên các con sông, cánh đồng vừa tràn nước để hái bông điên điển, rau muống bán kiếm tiền chi tiêu hàng ngày.

“Mỗi ngày, từ 6 giờ sáng đến hơn 12 giờ trưa, tôi ra đồng hái khoảng 3-5kg bông điên điển, bán với giá 10.000 đồng/kg và 6-8kg rau muống, bán với giá 5.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày, kiếm được khoảng 100.000 đồng để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, không phải ngày nào cũng hái bán. Sợ dịch bệnh nên phải ở nhà phòng dịch” - bà Lê Thị Em chia sẻ.

Lũ chưa về nên cá, tôm rất ít

Ngược sang phía Tây sông Hậu, người dân các xã Nhơn Hội, Phú Hội, Vĩnh Hội Đông đang trong tư thế chuẩn bị khai thác mùa nước nổi. Tuy nước đã về nhưng vẫn còn thấp, lượng cá, tôm trong tự nhiên chưa nhiều nên người dân mưu sinh mùa lũ cũng gặp không ít khó khăn. Bà con đã chuẩn bị lưới, lọp, lờ... để chờ đón các sản vật từ thiên nhiên ban tặng.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hội Cao Xuân Điệu cho biết, nước lũ còn thấp nên các hoạt động đánh bắt chưa diễn ra. Mặt khác, dịch bệnh COVID-19 phức tạp nên người dân được khuyến cáo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, không ra ngoài khi không thật sự cần thiết.

Ghi nhận ở các chợ ven biên giới, như: Khánh An, Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông, Phú Hữu… do đang giãn cách xã hội để phòng, chống dịch nên cảnh mua bán rất vắng vẻ, lượng cá, tôm cũng rất ít.

Đến thời điểm này, mực nước vùng đầu nguồn ở huyện An Phú vẫn còn thấp. Người dân vẫn đang hy vọng con nước tiếp tục lên để sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, bà con có cơ hội khai thác lợi thế mùa nước nổi.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH - NGHĨA THANH