Người chăn nuôi thận trọng tái đàn phục vụ thị trường Tết

12/12/2022 - 07:02

 - Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp (DN), trang trại, hộ chăn nuôi đang tích cực tái đàn, chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao khiến người nuôi thận trọng trong việc tái đàn, tăng số lượng.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, đàn gia cầm có hơn 5,3 triệu con (đàn gà hơn 1,4 triệu con, đàn vịt hơn 3,9 triệu con); đàn heo gần 90.000 con; đàn trâu, bò hơn 70.000 con.

Trong chăn nuôi, thức ăn và con giống chiếm tỷ trọng rất cao trong tổng giá thành (thức ăn từ 53 - 73%, con giống từ 8,8 - 33,5%). Bởi vậy, nếu nông dân chọn giải pháp sản xuất đơn lẻ thì hầu như không mang lại lợi nhuận mà khả năng rủi ro lỗ vốn là rất cao.

Một số hộ chăn nuôi ở các địa phương cho biết, trên thực tế, đối với chăn nuôi heo, chi phí đầu tư về con giống, thức ăn, vaccine, hao hụt… tốn khoảng 60.000 đồng/kg, nhưng giá bán ra ở mức 54.000/kg. Do đó, dù xác định Tết là vụ nuôi lớn trong năm nhưng người nuôi không dám tăng đàn nhiều.

Giá thức ăn chăn nuôi biến động liên tục, người nuôi không quyết định được giá bán. Lợi dụng thực trạng này, nhiều công ty, DN cố tình sản xuất - kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Điều này, càng làm cho người chăn nuôi khó càng thêm khó.

Để mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng. Cụ thể, người chăn nuôi phải tìm được đầu vào giá thành thấp và bán được giá thành cao nhất. Tuy nhiên, để bán được giá thành cao phải đảm bảo chất lượng thịt xuất bán (chất lượng thức ăn, giống tốt, việc tổ chức chăn nuôi) và yếu tố thị trường.

Theo Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nguyễn Thị Xoàn, có nhiều giải pháp được đưa ra để giảm giá thành chăn nuôi. Chẳng hạn, như: Kiểm tra máng ăn hàng ngày nhằm tránh tình trạng cho ăn nhiều, thức ăn thừa gây lãng phí, tăng chi phí sản xuất.

Ngoài ra, việc thiết kế chuồng nuôi đảm bảo thông thoáng, nhiệt độ thích hợp đảm bảo cho gia súc, gia cầm ăn uống tốt, phát triển nhanh, rút ngắn thời gian nuôi, giảm giá thành sản phẩm. Cho vật nuôi ăn, uống đủ lượng thức ăn, nước uống theo độ tuổi, đúng giờ, đúng bữa, không cho ăn thức ăn ôi, mốc; vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày. Chọn con giống tốt và phù hợp với mục đích nuôi, nhằm sử dụng hiệu quả thức ăn.

Bên cạnh đó, phải xây dựng kế hoạch cụ thể trước khi bắt tay vào chăn nuôi, như: Nắm rõ kỹ thuật, chi phí đầu tư, vật tư đầu vào, sản phẩm đầu ra. Chọn quy mô chăn nuôi phù hợp với điều kiện của từng hộ gia đình. Bắt buộc phải ghi chép sổ sách các khoản thu, chi, khi thấy khâu nào bất hợp lý so với quy định phải tìm rõ nguyên nhân để khắc phục. Áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, giảm thiểu hao hụt trong chăn nuôi, tăng hiệu quả sản xuất. Sử dụng con giống tốt, có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, góp phần giảm giá thành chăn nuôi.

Giá thức ăn tăng cao, thị trường đầu ra không đảm bảo… luôn là những rủi ro mà người chăn nuôi nhỏ lẻ thường gặp. Tuy nhiên, đối với hình thức liên kết nuôi gia công với các DN thì người chăn nuôi hoàn toàn có thể thu lại lợi nhuận từ 400.000 - 450.000 đồng/con heo (160 ngày/105kg); từ 6.500 - 8.800 đồng/kg với gà, vịt…

Hiện nay, ở 5 địa phương: Huyện Tịnh Biên, Thoại Sơn, Châu Phú, Tri Tôn và TP. Châu Đốc đã thực hiện việc tham gia liên kết nuôi gia công heo thịt, gà thịt và vịt thịt cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam.

Từ đầu năm đến nay, đã xuất chuồng 13.200 con heo, 180.000 con vịt và 544.000 con gà. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang, ước lượng trong 3 ngày cuối năm 2022 (28, 29, 30 Tết Nguyên đán), tổng sản lượng thịt gia súc, gia cầm tiêu thụ trên địa bàn tỉnh khoảng 604,4 tấn.

Trong đó, nguồn cung thịt gia súc, gia cầm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong 3 ngày cận Tết khoảng 630,9 tấn thịt, gồm: Sản lượng thịt gia súc, gia cầm trong tỉnh: 275,3 tấn; ngoài tỉnh cung cấp khoảng 254,58 tấn thịt; Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P chi nhánh An Giang - Đồng Tháp: 11 tấn; các DN, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh: 90 tấn; Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh Kiên Giang có thể cung ứng tăng thêm gấp 3 - 4 lần so với sản lượng đăng ký thường ngày, để tham gia bình ổn thị trường.

Như vậy, theo ước tính của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công Thương, nguồn cung thịt gia súc, gia cầm đảm bảo đủ cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2023.

ÁNH NGUYÊN