Người dân cần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông

27/08/2024 - 04:54

 - Ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) của một bộ phận người dân chưa cao, là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT).

Thời gian qua, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật ATGT kết hợp tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm là hai giải pháp được chính quyền các cấp, lực lượng chức năng chú trọng triển khai thực hiện. Song song đó, các ngành chức năng thường xuyên quan tâm, chỉ đạo triển khai công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật ATGT với nhiều hình thức, nội dung phong phú, hướng đến nhiều đối tượng khác nhau. Công tác tuyên truyền đã mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, đảm bảo trật tự ATGT, kiềm chế và kéo giảm TNGT.

Tuy nhiên, trong khi lực lượng chức năng đã nỗ lực kéo giảm TNGT thì việc ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa tốt. Vẫn còn nhiều người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không tỉnh táo bởi sử dụng rượu, bia, chất kích thích; lạng lách, đánh võng, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều; trẻ em chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông…

Anh Trần Văn Sơn (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Trong quá trình tham gia giao thông, tôi gặp rất nhiều trường hợp chạy xe đạp điện, xe gắn máy dưới 50cc… không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng, vượt đèn đỏ. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho chính người điều khiển phương tiện, mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn với những người tham gia giao thông”.

Còn ông Nguyễn Văn Út (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) cho biết: “Giờ ra đường thấy tụi trẻ đi xe, rồ ga mà sợ. Mỗi khi tôi đi đâu đều phải nhìn trước, ngó sau thật kỹ rồi mới dám sang đường. Có khi đang chuẩn bị sang đường thì có xe máy của một thanh niên lao vụt qua. Ý thức tham gia giao thông của giới trẻ bây giờ đáng lo ngại”.

Người dân cần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông

Bên cạnh đó, khi tham gia giao thông trên đường, việc sử dụng đèn xi-nhan rất quan trọng, giúp người tham gia giao thông biết được người điều khiển phương tiện muốn rẽ hướng nào để nhường đường, tránh tai nạn. Tuy nhiên, việc sử dụng đèn xi-nhan của nhiều người tham gia giao thông đôi lúc chưa đúng.

Có trường hợp bật đèn xin rẽ trái nhưng lại rẽ phải. Sau khi rẽ quên tắt xi-nhan, hoặc bật đèn xi-nhan qua đường đột ngột làm cho người tham gia giao thông cùng chiều phía sau rất khó xử lý. Rẽ trái, rẽ phải nhưng không bật đèn xi-nhan để xin đường đôi khi xảy ra va quẹt, tai nạn.

Anh Nguyễn Văn Hậu (TP. Long Xuyên) cho biết: “Tôi nhiều lần thấy người điều khiển xe gắn máy bật đèn xi-nhan bên này nhanh qua chiều bên kia. Có lần, chị phụ nữ bật đèn xi-nhan bên trái nhưng rẽ bên phải, cũng may là người qua đường chạy chậm và dừng lại kịp lúc, không thì đã xảy ra TNGT”.

Còn chị Lê Thị Ngọc Bích (TP. Long Xuyên) bức xúc: “Tại ngã tư, xe máy luôn được rẽ phải. Tuy nhiên, nhiều người dừng xe không đúng làn đường, cản trở người cần rẽ phải nên xảy ra ùn tắc xe, nhất là trong giờ cao điểm. Các xe muốn rẽ phải bấm kèn liên tục, hoặc chạy lách tới, lách lui rất nguy hiểm. Có người khi được nhắc nhở “đây là làn dành cho xe rẽ phải” thì bị cự cãi, lớn tiếng”.

Ngoài ra, mỗi ngày tham gia giao thông, chúng ta đều thấy rõ, trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các tài xế lái xe tải, xe khách thi nhau chạy quá tốc độ, chở quá tải, tìm cách lấn làn đường, ép các phương tiện đi cùng chiều và ngược chiều để vượt lên trước, tranh giành khách… Hành vi này rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Anh Trần Trung Quốc (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) cho biết: “Nhiều lần, tôi chạy xe gắn máy trên tuyến quốc lộ nhìn thấy các xe tải chở hàng và xe khách ép các xe đang chạy cùng chiều trước mặt và xe đang chạy ngược chiều để vượt lên rất nguy hiểm. Thấy những trường hợp đó, tôi luôn chủ động tránh xa. Tuy nhiên, người đi đường vẫn luôn bất an bởi ý thức của một số tài xế xe lớn còn quá kém”.

Đây chỉ là một vài trường hợp về sự thiếu ý thức khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân. Do đó, để góp phần làm giảm thiểu TNGT mỗi người dân chúng ta cần nâng cao ý thức tham gia giao thông từ những hành động nhỏ nhất, như: Đội mũ bảo hiểm khi đi xe môtô, xe gắn máy, xe đạp điện; đi đúng phần đường, làn đường quy định; không đi xe lên vỉa hè, đi bộ dưới lòng đường; không sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khi tham gia giao thông; chấp hành nghiêm hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới; ứng xử có văn hóa khi xảy ra va chạm giao thông… Từ đó, văn hóa giao thông của cộng đồng sẽ được nâng lên, góp phần giảm thiểu TNGT trên mọi tuyến đường.

TRỌNG TÍN