Hai tuần trước ngày nhập viện, ông L.M.T. (58 tuổi, trú tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) giẫm phải đinh gỉ. Chủ quan vết thương nhỏ, ông không tiêm phòng uốn ván. Khi có dấu hiệu cứng hàm, suy hô hấp, khó thở, gia đình đưa ông vào bệnh viện cấp cứu.
Với tình trạng suy hô hấp nặng, viêm phổi và vết thương giẫm phải đinh, các bác sĩ chẩn đoán ông mắc uốn ván giai đoạn toàn phát mức độ nặng.
Bệnh nhân cấp cứu tại bệnh viện. Ảnh: BSCC.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực phải áp dụng các biện pháp hồi sức kiểm soát hô hấp nhân tạo (mở khí quản thở máy), dùng huyết thanh kháng độc liều cao, kiểm soát các triệu chứng và biến chứng, dùng kháng sinh dự phòng chống bội nhiễm...
Bác sĩ Hà Thị Bích Vân, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết sau 4 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh, bỏ được máy thở, hết co giật.
Theo bác sĩ Vân, uốn ván là bệnh lý cấp tính nặng do vi khuẩn Clostridium tetani gây nên. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương dưới dạng nha bào.
Các vết thương có thể nhỏ như gai đâm, đinh đâm, xước da, dập móng, ngoáy tai, xỉa răng, bấm lỗ tai… hoặc các vết thương to, rộng nhiều ngóc ngách gặp trong lao động, tai nạn giao thông, gãy xương hở, bỏng. Thậm chí, nạo thai, sau mổ đường tiêu hóa, cắt trĩ, cắt rốn với dụng cụ bị nhiễm bẩn, không đảm bảo điều kiện vô trùng cũng có thể nhiễm vi khuẩn này.
Bệnh uốn ván nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể tiến triển nhanh sang tình trạng co cứng, co giật toàn thân, suy hô hấp, ngưng thở.
Bác sĩ Vấn khuyến cáo tiêm phòng là biện pháp đơn giản và hiệu quả, giúp ngăn ngừa bệnh uốn ván khi có vết thương ngoài da. Những người có nguy cơ cao như nông dân, người làm công việc dọn vệ sinh, công nhân xây dựng, phụ nữ trong thời kỳ mang thai hoặc sinh nở, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên được tiêm phòng uốn ván đủ liều. Nếu vết thương nhiễm bẩn, dính đất cát, người dân cần đến cơ sở y tế để được sát trùng và tiêm uốn ván kịp thời.
Theo VietNamNet