Trở thành KOL, KOC, KOS
Đây là xu hướng kiếm tiền của GenZ. Xu hướng hiện nay, KOC (người tiêu dùng thông minh đánh giá sản phẩm dựa trên trải nghiệm cá nhân) đang dần thay thế cho KOL (người nổi tiếng hoặc chuyên gia trong lĩnh vực cụ thể).
Rất nhiều nhãn hàng, thậm chí các thương hiệu nổi tiếng đều có nhu cầu chọn KOC để gia tăng doanh số bán hàng. Do đó, cơ hội việc làm cho KOC cũng là cách kiếm tiền thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Dễ hiểu vì sao khi xuất hiện nhiều kênh YouTube, TikTok chuyên review sản phẩm, quán ăn… và thu hút rất đông lượt tương tác.
Làn sóng mới trong lĩnh vực tiếp thị truyền thông xã hội đó là sự xuất hiện của KOS (người bán hàng có tầm ảnh hưởng). Đó là người sáng tạo nội dung với kỹ năng bán hàng chuyên nghiệp, có kiến thức sâu rộng về các ngành hàng. Ví dụ, họ có thể livestream tư vấn cho người tiêu dùng về các loại sản phẩm, thiết bị công nghệ, đồ gia dụng…
Vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang phối hợp Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam tổ chức “Chợ phiên OCOP An Giang 2024 trên nền tảng TikTok”.
Chương trình nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ thể OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) chuyển đổi, đẩy mạnh quảng bá và tiêu thụ sản phẩm thông qua thương mại điện tử. Chợ phiên OCOP “Hương vị An Giang” trên nền tảng TikTok với những KOL nổi tiếng trên nền tảng TikTok, như: Hằng Du Mục, Thiện Nhân, Huyền Phi, Tạ Công Bằng… đã đưa hơn 100 sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản của hơn 20 doanh nghiệp An Giang đến với người dùng TikToK trên cả nước… Diễn ra trong 4 giờ, phiên livestream tiếp cận 31,6 triệu người, nhận hơn 18.000 đơn hàng, doanh thu khoảng 3 tỷ đồng…
Theo thống kê, trung bình mỗi ngày, Việt Nam có khoảng 70.000 - 80.000 phiên livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội (MXH). Từ các doanh nghiệp đến giới nghệ sĩ, người nổi tiếng, từ người kinh doanh ở đô thị đến người nông dân… đều có thể tổ chức livestream bán hàng, trong đó có nhiều bạn trẻ thế hệ GenZ… Nhờ mang lại lợi nhuận cao trong khi chi phí thấp, tương tác được nhiều người mua, nên livestream đang là kênh bán hàng trực tuyến hiệu quả.
Thu nhập “khủng”
Không chỉ là tạo kênh YouTube, TikTok về hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, trào lưu mukbang (ăn nhiều thức ăn trước camera và phát trực tiếp qua nền tảng MXH) tương tác với cộng đồng mạng và thu hút lượng lớn view (xem), like (thích), share (chia sẻ). Nhất là, sáng tạo nội dung số để đăng kênh YouTube, TikTok… đang là nghề của nhiều người, nhất là giới trẻ và mang lại thu nhập “khủng”.
Nổi bật là kênh YouTube Ben Eagle với 19,6 triệu subs, là kênh có nhiều người đăng ký nhất Việt Nam. Chủ nhân của kênh Ben Eagle tên thật là Trịnh Công T. (sinh năm 1991), là võ sư, đạo diễn hành động, diễn viên đóng thế. Thành lập từ tháng 9/2021, kênh YouTube Ben Eagle là nơi để Trịnh Công T. cho ra đời loạt video triệu view. Nội dung video của Ben Eagle không chỉ thu hút ở nét sáng tạo, yếu tố mới lạ từ chuyên môn mà còn là sự đa dạng trong nội dung và việc nghiêm túc đầu tư các nội dung chất lượng và thú vị.
Kênh này đạt được “nút Bạc” sau 3 tháng, đạt “nút Vàng” sau 9 tháng, với hơn 1 triệu lượt đăng ký, chỉ mất 2 năm đã có 10 triệu subscribe và đạt được “nút Kim Cương” của YouTube. Đây là một trong những kênh YouTube Shorts phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Ben Eagle trở thành đại diện của Việt Nam trong số 6 nhà sáng tạo nội dung thành công ở Châu Á - Thái Bình Dương được YouTube giới thiệu trên trang blog của nền tảng này…
Cùng với đó, một số kênh YouTube có lượng subscribe nhiều nhất ở Việt Nam, như: Like Nastya VNM, POPS Kids, Vie Channel… có thu nhập rất cao. Theo thống kê từ báo cáo thường niên WeAreSocial Digital 2024, thế giới hiện có hơn 5 tỷ người sử dụng MXH, riêng Việt Nam có 73,3% dân số sử dụng MXH với thời gian trung bình mỗi ngày là 2 giờ 25 phút, thuộc “tốp 20” trên thế giới. Đặc biệt, giới trẻ tại Việt Nam sử dụng MXH trung bình 7 giờ mỗi ngày, khá cao trên khu vực và thế giới. Đối với TikTok, có khoảng 67,72 triệu người dùng (đầu năm 2024), tăng 35,8% so đầu năm 2023...
Theo giới phân tích, không có một con số cụ thể về cách tính tiền YouTube trả cho YouTuber là bao nhiêu trên 1 video. Đối với các tài khoản YouTube Việt Nam, các YouTuber sẽ được chi trả từ 0,3 - 0,5 USD cho mỗi 1.000 lượt xem. Nếu video đạt 1 triệu view, thì YouTuber Việt Nam sẽ nhận được thù lao khoảng 7 triệu đồng…
Theo Business Insider, đến năm 2023, TikTok trả các nhà sáng tạo nội dung ở Mỹ khoảng 1 tỷ USD. Tại Việt Nam, nguồn thu nhập chính của các YouTuber, TikToker đến từ việc bán hàng online và nhận hợp đồng quảng cáo từ các thương hiệu. TikToker nổi tiếng Phạm T. từng chia sẻ, mỗi buổi tối livestream bán hàng thu về hơn 100 triệu đồng. Phạm T. từng tiết lộ thu nhập mỗi tháng hơn 1,2 tỷ đồng từ cửa hàng bán quần áo, chưa kể từ quảng cáo các nhãn hàng…
Có nhiều TikToker, YouTuber định hướng phát triển kênh theo cách bền vững, sáng tạo nội dung giá trị, truyền cảm hứng tích cực cho người trẻ và ghi dấu ấn trong các hoạt động xã hội. Bên cạnh, vẫn có không ít TikToker, YouTuber bất chấp mọi thứ để được nổi tiếng; giật gân, tiêu cực không được kiểm chứng bất chấp những quy định của pháp luật để câu view, câu like rẻ tiền… Cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm theo pháp luật để tránh hệ lụy xấu cho xã hội.
HỮU HUYNH