Nguy cơ cao
Tại Việt Nam tỷ lệ mắc đột quỵ hơn 218 người trên 100.000 dân, trong đó đột quỵ thiếu máu não chiếm tỷ lệ lớn nhất. Do đó, đòi hỏi ngành y tế phải liên tục cải tiến quy trình và nâng cao chất lượng điều trị.
PGS.TS. BS Nguyễn Huy Thắng (Chủ tịch Hội Đột quỵ TP. Hồ Chí Minh, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115) cho biết: "Theo bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam nằm trong số những nước có màu đỏ đậm nhất. Tức trong nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất, tỷ lệ ước tính vượt 218/100.000 dân.
Theo tỷ lệ này, với dân số 100 triệu, số ca đột quỵ mới mắc tại Việt Nam khoảng trên 200.000 người mỗi năm. Theo công bố về gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam từ năm 2010, đột quỵ xếp hàng đầu trong các bệnh lý mắc phải".
Trao giải thưởng Kim cương của Hội Đột quỵ Thế giới (WSO) cho Bệnh viện Tim mạch An Giang
Theo BS Thắng, đột quỵ dù giảm được tỷ lệ tử vong nhưng gánh nặng về kinh tế rất cao. Bệnh nhân bị đột quỵ dù được chữa trị tại trung tâm tốt nhất thì khả năng quay trở lại công việc trước đây vẫn không khả quan, tối đa chỉ khoảng 50%. Như vậy, cứ 2 người bị đột quỵ thì chúng ta mất đi 1 lao động, cho dù điều trị tại trung tâm chất lượng cao.
Đột quỵ và nhồi máu cơ tim là hai biến chứng thường gặp nhất của tăng huyết áp. Lý do quan trọng khiến đột quỵ Việt Nam dẫn đầu toàn cầu là việc tuân thủ điều trị dự phòng ở người Việt còn hạn chế. Nhóm có nguy cơ mắc đột quỵ là người bệnh tăng huyết áp, tăng mỡ máu, đái tháo đường, rung nhĩ... song "đáng báo động" là họ chưa kiểm soát tốt bệnh.
Nỗ lực của Bệnh viện Tim mạch An Giang
Bệnh viện Tim mạch An Giang đã triển khai quy trình báo động đỏ đột quỵ cấp và triển khai điều trị tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch cho bệnh nhân đột quỵ cấp từ tháng 10/2018 đến nay, đạt nhiều thành công. Hàng năm, khoảng 1.000 bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu theo quy trình báo động đỏ đột quỵ. Đây là quy trình được bệnh viện xây dựng nhằm đảm bảo bệnh nhân đột quỵ được thăm khám, xét nghiệm, chụp cắt lớp vi tính não và dùng thuốc tiêu sợi huyết sớm nhất từ 3 giờ đến 4,5 giờ kể từ khi có triệu chứng.
Hàng năm, khoảng 150 bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp được cứu sống bằng tái thông mạch vành cấp cứu theo quy trình báo động đỏ. Các chương trình can thiệp mạch vành, can thiệp qua da đóng các lỗ thông tim bẩm sinh, cắt đốt điện sinh lý bằng sóng cao tần điều trị rối loạn nhịp tim, đặt máy tạo nhịp tim tạm thời và vĩnh viễn là kỹ thuật cao được thực hiện tại bệnh viện. Các hội thảo khoa học đã hướng dẫn các bác sĩ tuyến cơ sở xử trí ban đầu và chuyển bệnh nhân kịp thời trong “thời gian vàng”, góp phần giảm tỷ lệ tử vong và tàn tật.
Năm 2024, Bệnh viện Tim mạch An Giang được trao giải thưởng Kim cương - giải thưởng cao nhất trong điều trị đột quỵ của Hội đột quỵ Thế giới (WSO).
Để nhận được giải thưởng này, ThS.BS Bùi Hữu Minh Trí, Giám đốc Bệnh viện Tim mạch An Giang cho biết, năm 2018, bệnh viện triển khai quy trình báo động đỏ đột quỵ và được duy trì đến nay. Hàng năm, bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh nhân đột quỵ, trong đó khoảng 33% bệnh nhân đạt tiêu chuẩn sử dụng thuốc tiêu sợi huyết.
Năm 2021, bệnh viện đạt chứng nhận “Chất lượng Vàng điều trị đột quỵ” của Hội Đột quỵ Thế giới. Năm 2023, đạt chứng nhận “Chất lượng Bạch kim” và quý I/2024 đạt “Chất lượng Kim cương”. Giải thưởng Kim cương đòi hỏi đạt những tiêu chí khắt khe như thời gian từ lúc nhập viện đến lúc truyền thuốc tiêu sợi huyết phải dưới 40 phút cho ít nhất 50% bệnh nhân.
“Để duy trì thành tích này, tới đây Bệnh viện Tim mạch An Giang tiếp tục vận hành hiệu quả quy trình báo động đỏ, mở rộng mạng lưới xử trí đột quỵ, hội chẩn từ xa cho tuyến cơ sở để nhiều bệnh nhân hơn nữa được cấp cứu kịp thời. Ngoài ra, bệnh viện có kế hoạch đào tạo ê kíp và đầu tư trang thiết bị để thực hiện kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học”- ThS.BS. Bùi Hữu Minh Trí cho hay.
TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế cho biết, tỉnh có 5 bệnh viện điều trị đột quỵ (4 bệnh viện công và 1 bệnh viện tư), dù là tỉnh không nằm trong nhóm thành phố trực thuộc Trung ương. Năm 2023, tỉnh có 3 bệnh viện đạt giải thưởng Bạch kim về điều trị đột quỵ của Hội Đột quỵ Thế giới: Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, Bệnh viện Tim mạch An Giang và Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh. Tỉnh sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới điều trị đột quỵ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
HẠNH CHÂU