Nhà chức trách Đức nhận định về vụ cá chết hàng loạt trên sông Oder

12/08/2022 - 18:35

Ngày 12/8, cơ quan môi trường bang Brandenburg của Đức cho biết một chất cực độc chưa xác định được có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông Oder, chảy qua Ba Lan và Đức.

Cá chết trên sông Oder đoạn chảy qua làng Cigacice, miền Tây Ba Lan ngày 10/8/2022. Ảnh: PAP/TTXVN

Theo cơ quan trên, một phân tích mẫu nước lấy từ sông Oder được thực hiện trong tuần này cho thấy bằng chứng về "các chất hóa học tổng hợp, rất có thể cũng gây độc hại đối với động vật có xương sống". Tuy nhiên, cơ quan này cho biết hiện vẫn chưa rõ bằng cách nào mà chất này có thể xâm nhập vào con sông. 

Trao đổi với báo giới, người đứng đầu cơ quan trên Axel Vogel cho biết hiện chưa thể xác định số lượng cá chết trên khắp nước Đức và Ba Lan. Phía Đức chưa nhận được thông báo từ Ba Lan về vụ việc trên. 

Hiện chính quyền tại một số khu vực của Đức giáp với Ba Lan đã cảnh báo người dân địa phương tránh dùng nước sông và không ăn cá đánh bắt được từ sông Older cho tới khi nguyên nhân cá chết hàng loạt được điều tra làm rõ.

Theo đài truyền hình địa phương Rbb của Đức, phòng thí nghiệm của bang Brandenburg đã tìm thấy hàm lượng thủy ngân cao trong các mẫu nước. Tuy nhiên, trao đổi với đài truyền hình tư nhân Polsat News, người đứng đầu cơ quan quản lý nguồn nước quốc gia của Ba Lan Przemyslaw Daca cho biết sự hiện diện của thủy ngân trong nước sông vẫn chưa được xác nhận và đây chỉ là những thông tin báo chí đưa.

Trước đó, các quan chức tại cơ quan quản lý nguồn nước của Ba Lan ngày 10/8 thông báo lực lượng cứu hỏa và tình nguyện viên đã vớt khoảng 5 tấn cá chết khỏi thị trấn Olawa, Tây Nam nước này. Các cơ quan bảo vệ môi trường cho biết đã thông báo cho các công tố viên về khả năng dòng sông Oder bị ô nhiễm. 

Giới chức bảo vệ môi trường khu vực ở Wroclaw cho biết mẫu nước được lấy từ sông Oder vào ngày 28/7 cho thấy 80% khả năng chứa methylene, một chất độc hại, mặc dù chất này không có trong các mẫu lấy sau ngày 1/8. Mực nước dòng sông xuống thấp do hạn hán ở châu Âu được cho có thể làm trầm trọng thêm nguy cơ ô nhiễm.

Theo PHƯƠNG OANH (TTXVN)