Việc tham gia BHYT đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là các gia đình có mức thu nhập thấp khi không may đau ốm hay có vấn đề về sức khỏe. Có thể nói, BHYT toàn dân là chính sách quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo, có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc được Đảng, Nhà nước coi trọng, đề cao trong chính sách an sinh xã hội. Với những vùng nông thôn, BHYT là 1 trong những chỉ tiêu quan trọng góp phần đưa địa phương thành xã đạt chuẩn nông thôn mới. Vậy nên, quan tâm, chăm lo đến BHYT cho người khó khăn không chỉ là lời nói giản đơn hay những hình thức tuyên truyền mờ nhạt, mà còn là hành động cụ thể, thiết thực, cần sự chung tay của cộng đồng. Hiểu được điều đó, nhiều năm nay, xã An Bình là địa phương có những cách làm, mô hình tương trợ BHYT hiệu quả, giúp bà con và học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận chính sách BHYT.
Một trong những mô hình hay được duy trì nhiều năm ở địa phương là “Phụ nữ cho mượn vốn mua BHYT”. Theo đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phụ trách việc xét, chọn đối tượng để chị, em hội viên mượn vốn. Tùy hoàn cảnh, hội sẽ cho mượn số tiền phù hợp giúp chị, em mua BHYT theo hộ gia đình. “Mô hình này được thực hiện gần 4 năm, bước đầu mang lại nhiều hiệu quả. Trung bình 1 năm có khoảng 40 chị được mượn vốn mua BHYT. Từ khi thực hiện đến nay, có gần 100 hội viên phụ nữ được hỗ trợ mượn vốn với số tiền khoảng 134 triệu đồng. Thời gian hoàn vốn tùy điều kiện mỗi người, có người 6 tháng hoặc cao lắm là 1 năm. Dẫu nguồn vốn cố định chỉ khoảng 6 triệu đồng nhưng nhờ cho các chị mượn xoay vòng và thu hồi vốn đúng thời gian quy định, giúp nhiều chị, em trang bị được thẻ BHYT phòng thân cho gia đình” - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Bình Lê Thị Thu Hường cho biết.
Với mục tiêu từng bước nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT, địa phương còn tích cực tuyên truyền, vận động nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ BHYT cho học sinh khó khăn và các hộ nghèo khó. Hàng năm, địa phương tranh thủ vận động sự đóng góp, ủng hộ của những nhà hảo tâm thân thiết trong và ngoài tỉnh được vài chục triệu đồng, chăm lo BHYT cho bà con. “Bên cạnh đó, chúng tôi còn nêu cao tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, thành lập mô hình “Cán bộ, đảng viên đóng góp mua BHYT”. Mô hình được thành lập vào năm 2014, xuất phát từ việc chứng kiến nhiều người dân nghèo khó vì không có thẻ BHYT mà phải vay mượn khắp nơi để lo tiền thuốc, viện phí. Vậy là, chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên cơ quan đóng góp mỗi tháng 20.000 đồng để mua BHYT cho học sinh khó khăn. Chúng tôi không ép buộc vì đây là hình thức tự nguyện. Lãnh đạo phải là người làm gương, tất cả đều tích cực tham gia, từ đó tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Đến nay, hầu hết cán bộ, đảng viên của xã đều tham gia đóng góp. Mỗi năm, chúng tôi hỗ trợ khoảng 60 thẻ BHYT cho học sinh khối tiểu học và THCS”- Phó Chủ tịch UBND xã An Bình Nguyễn Phước Ân chia sẻ.
Nhờ quan tâm BHYT một cách toàn diện đến từng trường hợp, từng hoàn cảnh khó khăn, đến nay, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn xã đạt 5.472 người/6.015 người (chiếm tỷ lệ 90,97%), đó là chưa kể những người xa quê đi lao động ở các tỉnh khác. Nhờ những mô hình hiệu quả trong tương trợ BHYT mà địa phương đã cơ bản nhẹ bớt phần nào nỗi lo chỉ tiêu về BHYT trong duy trì, nâng chất nông thôn mới.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì những mô hình tương trợ BHYT, đồng thời phát động thêm những mô hình mới nhằm giúp người dân nghèo khó và học sinh tiếp cận được thẻ BHYT, phòng khi ốm đau” - Phó Chủ tịch UBND xã An Bình Nguyễn Phước Ân nhấn mạnh.
|
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN