Nhiều sự kiện hấp dẫn trong tuần lễ sáng tạo của UNESCO tại Việt Nam

04/11/2021 - 18:48

Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế 2021 mang đến loạt hoạt động đa dạng về hình thức và chủ đề như văn hóa dân gian, bản quyền, điện ảnh, thời trang bền vững... phần lớn được tổ chức online để chống dịch.

Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế có nhiều hoạt động đa dạng, bao phủ các vấn đề đương đại chủ yếu ở hình thức online. (Ảnh: VFCD)

Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam 2021 sẽ có nhiều hoạt động giao lưu, tương tác thú vị diễn ra theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Nội dung những buổi trao đổi, cuộc thi, chuỗi podcast, triển lãm trải rộng ở nhiều lĩnh vực từ truyền thống tới hiện đại, từ mỹ thuật, nhiếp ảnh tới điện ảnh, lưu trữ văn hóa…

Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 21-11 tại Hà Nội, Thừa Thiên-Huế và Thành phố Hồ Chí Minh, do Đại học RMIT Việt Nam, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS), tổ chức COLAB Việt Nam cùng nhiều đơn vị khác đồng tổ chức.

Với chủ đề “Tương lai sáng tạo” nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa Việt, liên hoan năm nay mở đầu bằng chiến dịch online mang tên “To_morrow: Gửi đến tương lai” trên nền tảng Instagram và website của sự kiện. Thông điệp của cuộc thi là “Bạn sẽ kiến tạo điều gì để gửi tương lai?”

Mỗi sản phẩm được gửi đến cho chương trình là một ý tưởng mới mà mỗi cá nhân đóng góp cho tập thể, chung tay gây dựng lên một tương lai lạc quan hơn. Hoạt động này hiện đã bắt đầu và sẽ kéo dài đến năm 2021 (ngày 31/12).

Dù ở quá khứ, hiện tại hay tương lai thì nghệ thuật truyền thống vẫn sẽ luôn được cần được gìn giữ và phát triển. Đây là một trong những thông điệp của hai tọa đàm trực tuyến “Văn hóa dân gian trong thời đương đại” và “Dân gian số - Văn hóa dân gian trên nền tảng số” diễn ra ngày 10/11/2021.

Khi nghệ thuật truyền thống dường như luôn mong manh, cần được bảo tồn, nhất là trong thời kỳ hiện đại thì chuỗi podcast hay chương trình phát thanh có tên “Lưu trữ số văn hóa nghệ thuật” (14/11) và “Tương lai của thiết kế bền vững tại Việt Nam” (21/11) sẽ lần lượt lên sóng để cung cấp thông tin cho khán giả quan tâm.

Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, những hoạt động tập trung đông người được phép trở lại, tour “offline” mang tên “Du ngoạn Hà Nội” sẽ đưa người tham gia ghé thăm những con phố quen thuộc để tìm hiểu về Thủ đô qua các thời kỳ.

Tour đi bộ này sẽ kéo dài từ Đinh Liệt, đưa người tham gia về không gian lịch sử của nghề kim hoàn trên phố Hàng Bạc xưa, cuộc đổ bộ của điện ảnh Hong Kong vào rạp cải lương, rồi dừng chân tại Nguyễn Hữu Huân - nơi lưu trữ đam mê bất tận với càphê.

Nhieu su kien hap dan trong tuan le sang tao cua UNESCO tai Viet Nam hinh anh 2

Hà Nội toát lên sức hấp dẫn nhờ những không gian sáng tạo mới. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Cùng với đó, Liên hoan còn mang đến workshop (buổi đào tạo ngắn hạn) mang tên "WAVE." Sự kiện nhằm nâng cao chất lượng nội dung trên trang dữ liệu mở như Wikipedia đồng thời cập nhật, bổ sung hoặc tạo mới các trang Wikipedia về thiết chế văn hóa, nghệ thuật tại Hà Nội.

Cùng với các nội dung kể trên, Liên hoan còn mang đến các workshop, tọa đàm trực tuyến về bản quyền; vấn đề điện ảnh và giáo dục đào tạo trong góc nhìn thời đại COVID-19; tọa đàm về vấn đề thuần Việt; thời trang bền vững; minh họa trên báo chí…

Mỗi hoạt động sẽ có một địa chỉ đăng ký riêng, được cập nhật và đăng tải liên tục trên trang Facebook "Vietnam Festival of Creativity & Design" hoặc trang web vfcd.events/vi của liên hoan.

Chia sẻ về Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam 2021, bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa của Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, cho rằng liên hoan VFCD đã thành công trong việc kết nối các bên liên quan trong ngành văn hóa sáng tạo suốt hai năm qua. Từ đó, bà Hường tiếp tục đặt kỳ vọng cao vào chương trình năm nay.

Bà Hương cũng gửi gắm niềm tin rằng Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng, thậm chí còn đa dạng hơn nữa nhờ tài năng của tất cả những người tham gia, đặc biệt là những người sáng tạo trẻ với sức sáng tạo riêng và những năng lực về truyền thông, kỹ thuật số./.

Theo MINH ANH (Vietnam+)

 

Liên kết hữu ích