Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa thành công tốt đẹp, đem lại những động lực thúc đẩy quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII trong bối cảnh mới cho đất nước. Hội nghị đã thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo, đề án liên quan đến một số vấn đề lớn, rất cơ bản và quan trọng, trong đó có nội dung về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023 - 2025. Đây cũng là những nội dung sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp lần này. Trước thềm khai mạc Kỳ họp, cử tri và nhân dân cả nước đã gửi gắm nhiều ý kiến, nguyện vọng tới Quốc hội.
Những niềm tin và kỳ vọng của cử tri
Mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp xúc cử tri Hà Nội trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đánh giá cao trong bối cảnh kinh tế các nước trong khu vực và thế giới đều rơi vào tình trạng suy thoái và lạm phát cao, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; việc điều hành của Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, hoạt động giám sát có hiệu quả của Quốc hội, kinh tế nước ta vẫn ổn định và tăng trưởng cao. Đời sống nhân dân được cải thiện. Có thể khẳng định, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp ngày càng được củng cố, giữ vững.
Tại cuộc tiếp xúc lần này, các cử tri bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cử tri đánh giá rất cao, trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta đã đạt được những kết quả tích cực. Công tác này đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Theo ý kiến cử tri, vẫn còn tình trạng cán bộ lạm quyền, lộng quyền, cơ quan cấp dưới ban hành những quy định vượt thẩm quyền chưa phù hợp. Cử tri đề nghị cần tăng cường các giải pháp để kiểm soát quyền lực. Quốc hội cần nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế chính sách kiểm soát quyền lực bởi vì không có kiểm soát quyền lực hoặc kiểm soát quyền lực yếu thì quyền lực tất yếu bị lạm dụng phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích nhóm. Cử tri cho rằng, kiểm soát quyền lực nhà nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước, cơ chế, chính sách, pháp luật, đồng thời, phát hiện kịp thời, không để xảy ra những hậu quả đáng tiếc, không phải xử lý nhiều cán bộ như vừa qua.
Buổi tiếp xúc cử tri hai huyện Củ Chi và Hóc Môn của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Tổ đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận nhiều ý kiến liên quan đến những hạn chế, bất cập trong công tác quy hoạch, quản lý đất đai. Cử tri kiến nghị cần có biện pháp ổn định cung cầu xăng dầu trên thị trường, không để tái diễn tình trạng thiếu xăng như vừa qua; đề nghị Nhà nước có phương án, lộ trình thay đổi sách giáo khoa một cách hợp lý để có thể tái sử dụng, tránh việc phải mua sách giáo khoa hàng năm, tốn kém tiền bạc của người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Hoan nghênh công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước triển khai rất quyết liệt, xử lý, kỷ luật nghiêm các trường hợp sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao, tuy nhiên, cử tri đề nghị Quốc hội có biện pháp nâng cao hơn nữa tỷ lệ thu hồi tài sản từ các vụ án, vụ việc tham nhũng.
Trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đã tiếp xúc cử tri là cán bộ quản lý, nhân viên ngành Y tế, đại diện cử tri các quận Ninh Kiều, Cái Răng, huyện Phong Điền và các chức sắc tôn giáo thành phố. Phản ánh và kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đời sống hàng ngày của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ nói riêng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, cử tri cho rằng, hiện nay, "tín dụng đen" vẫn hoạt động phức tạp, nhất là trên không gian mạng, với nhiều ứng dụng cho vay dễ dàng, song lãi suất cao và có tính chất lừa đảo, nhiều người dân rơi vào cảnh nợ nần, do đó cần có giải pháp đấu tranh, ngăn chặn tình trạng này.
Cử tri đề nghị có chính sách để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, trong đó có việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer Nam Bộ; có giải pháp xử lý kịp thời tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, nhất là những vướng mắc, bất cập trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế; có quy định, hướng dẫn cụ thể tháo gỡ khó khăn trong thực hiện cơ chế đặc thù, nhất là cơ chế tự chủ tài chính cho các bệnh viện công; có chính sách ổn định giá vật tư nông nghiệp, giá xăng dầu; nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia được triển khai chậm... Ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các tỉnh, thành phố đều đã được các Đoàn đại biểu Quốc hội ghi nhận, tiếp thu và tổng hợp để báo cáo với Quốc hội.
Gần đây, tại buổi tiếp xúc với cử tri tại Hải Phòng trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp thu, ghi nhận và trả lời các ý kiến cử tri huyện Thủy Nguyên liên quan đến thiết kế bảng lương phù hợp với quá trình đào tạo đối với bác sĩ; kiểm soát giá sách giáo khoa; phòng, chống, xử lý nghiêm minh tội phạm liên quan đến bạo lực gia đình; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; xem xét bổ sung công việc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và điều chỉnh mức phụ cấp đặc thù cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; về cơ chế định giá thuốc, đảm bảo cung ứng đủ thuốc khám chữa bệnh...
Một trong những nội dung chính của Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ mười bốn, khóa IX mở rộng, nhiệm kỳ 2019-2024 diễn ra ngày 10/10 vừa qua là thảo luận, thống nhất ý kiến, kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi tới Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Tại Hội nghị, trình bày Tờ trình cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực nêu rõ, dự thảo Báo cáo được kết cấu, bố cục gồm 2 phần: Phần I - Về tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của cử tri và nhân dân; Phần II - các kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi tới Kỳ họp.
Trong đó, các nội dung tâm tư, nguyện vọng và ý kiến của cử tri, nhân dân được trình bày theo các vấn đề lớn, mỗi vấn đề thể hiện ở 3 khía cạnh: Những vấn đề cử tri và nhân dân tin tưởng, phấn khởi, đánh giá cao; Những vấn đề cử tri và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng; Những kiến nghị, đề xuất của cử tri và nhân dân, xoay quanh một số nội dung về đánh giá chung; tình hình phát triển kinh tế; các vấn đề xã hội; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác; về thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài và công tác đối ngoại…
Từ những nội dung trên, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự kiến gửi tới Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV 5 kiến nghị, trong đó có các nội dung quan trọng như: Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo, điều chỉnh chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7, khóa XII nhằm cải thiện thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sớm sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu, cơ chế tài chính, tự chủ trong y tế, giáo dục… để sớm giải quyết căn cơ, dứt điểm tình trạng thiếu thuốc điều trị, vật tư y tế, thiếu trang thiết bị phục vụ khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Kiến nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết xử lý nghiêm minh các vụ án tham ô, tham nhũng, thu hồi tài sản cho Nhà nước…
Xem xét nhiều nội dung quan trọng
Về công tác xây dựng pháp luật, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết, gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến 7 dự án Luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.
Về công tác giám sát và xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tại Kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có quyết định kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước; xem xét Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý).
Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án năm 2022 (trong đó có nội dung về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam).
Bên cạnh đó, Quốc hội xem xét việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; xem xét, quyết định công tác nhân sự và xem xét, quyết định vấn đề quan trọng khác.
Theo TTXVN